16:41 29/08/2014

“Mong có nhiều tư lệnh ngành quyết liệt hơn”

Nguyên Thảo

Chia sẻ của một doanh nhân trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Mai Hữu Tín.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Mai Hữu Tín.
"Tôi mong có nhiều thêm các vị tư lệnh ngành dám hành xử quyết liệt hơn để thay đổi cách ứng xử của bộ máy, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp chứ không chỉ phục vụ cho chính bộ, ngành đó".

Đây là một trong những điều được Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Mai Hữu Tín chia sẻ trong cuộc trao đổi với VnEconomy, trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ 5, sẽ diễn ra trong hai ngày 30 -31/8/2014.

Doanh nhân - đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín cũng nhìn nhận cộng đồng doanh nhân Việt sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập khi sự chuẩn bị chưa thực sự đầy đủ.

Rơi rụng, xuống sức nhìn thấy rất rõ


Chuẩn bị bàn giao trọng trách Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho người kế nhiệm, cảm giác thế nào, thưa ông?

Phải nói thật là có chút nhẹ nhàng, vì hoàn tất nhiệm kỳ mà không để chuyện gì không hay xảy ra, cảm giác đó rất là thật.

Nhưng cũng khá lo lắng, vì với trách nhiệm trao lại vị trí người đứng đầu thì bộ máy mới sẽ làm được gì thêm để đóng góp cho cộng đồng doanh nhân và giữ được phong trào của Hội. Đó là cảm giác bình thường khi trao nhiệm vụ lại cho người khác, dù là có tin tưởng, ủng hộ cỡ nào cũng vẫn lo lắng trong lòng.

Rời cương vị Chủ tịch, song tôi cũng tự đặt ra cho mình trọng trách vẫn phải tiếp tục làm gì đó để ủng hộ phong trào của Hội và vì cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ba năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội, ông thấy cộng đồng doanh nghiệp trẻ có thay đổi nào nổi bật?

Thay đổi thì nhiều, bởi nguyên cả ba năm nhiệm kỳ này kinh tế khủng hoảng nên sự rơi rụng, xuống sức của hội viên nhìn thấy rất rõ, và rất là buồn.

Còn cái được lớn nhất là trong nhiệm kỳ qua đã hoàn thiện tổ chức Hội. Hiện nay mạng lưới tổ chức Hội đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành và 4 ngành kinh tế, với gần 10.000 hội viên. Các doanh nghiệp của hội viên đang tạo việc làm cho trên 2,5 triệu người, tổng doanh thu hàng năm đạt trên 25 tỷ USD.

Từ sự hoàn thiện về tổ chức, người lãnh đạo nhiệm kỳ mới mới có thể tính được hoạt động bề sâu để đưa hoạt động Hội mạnh hơn.

Chúng ta nghèo nhưng chi phí luôn cao

Bước vào nhiệm kỳ mới, theo ông sức khỏe của cộng đồng doanh nhân trẻ có nhiều cơ hội để tốt lên không?

Sản xuất trong nước đang phục hồi nhưng nhìn kỹ vào bức tranh kinh tế thì thấy sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI ngày càng lớn hơn. Họ thành công ở Việt Nam, đó là tín hiệu tốt, như vậy sẽ kích thích nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn ở Việt Nam hơn. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư Việt Nam đã không làm việc tốt trên chính mảnh đất của mình bằng những người nước ngoài. Đó là điểm đáng buồn.

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn, nhưng ở các cuộc chơi chung sắp tới thì có vẻ các doanh nghiệp Việt Nam chưa được chuẩn bị tốt để hội nhập thực sự và thiếu khả năng để chiến đấu lâu dài ngay trên đất nước mình. Mà khi doanh nghiệp trong nước không đủ mạnh và không đủ sẵn sàng thì người hưởng lợi nhiều nhất vẫn là các nhà đầu tư nước ngoài, nên khó khăn vẫn cứ còn tiếp tục với doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ hội vẫn luôn có, ngay cả trong khó khăn, và càng nhiều hơn khi gia nhập cuộc chơi lớn. Song cơ hội chỉ đến khi anh có khả năng và được chuẩn bị tốt, còn với người yếu hơi tàn lực thì cơ hội chỉ là cơ hội thôi, nó sẽ trôi qua mất.

Những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là bản thân doanh nhân phải chuẩn bị tri thức, vốn liếng để tận dụng cơ hội đó. Hiện nay thì số doanh nhân đủ sức, đủ lực, đủ tầm như vậy thì không nhiều lắm, từ góc nhìn của tôi thì doanh nghiệp Việt quá nhỏ yếu, quá tản mát, rời rạc, nên chỉ có một số ít tận dụng được cơ hội để phát triển.

Cả hoạt động lập pháp và hành pháp đều đang có rất nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh.Theo quan điểm của ông “điểm nghẽn” nào cần được công phá mạnh mẽ nhất?

Gần đây Chính phủ đã có một số trợ giúp khá kịp thời về thuế đối với doanh nghiệp. Nhưng thuế chỉ là một phần câu chuyện, còn rất nhiều điểm nghẽn ở tất cả các cơ quan nhà nước.

Bởi vậy, cộng đồng doanh nhân trẻ muốn nhìn thấy cải cách hành chính triệt để hơn ở tất cả mọi ngành. Tại sao chúng ta nghèo nhưng chi phí của doanh nghiệp Việt Nam vẫn luôn luôn cao hơn nhiều nước trong khu vực?

Tôi mong có nhiều thêm các vị tư lệnh ngành dám hành xử quyết liệt hơn để thay đổi cách ứng xử của cả bộ máy, chuyên tâm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp chứ không chỉ phục vụ cho chính bộ, ngành đó. Hiện nay sự quyết liệt đó chưa thấy phổ biến .