16:53 24/10/2015

Muốn lập “khu kinh doanh nhạy cảm”, phải chờ sửa luật

Nguyễn Lê

Quan chức Tp.HCM đề xuất gom các ngành nghề kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” ở một khu vực riêng

Một “khu kinh doanh nhạy cảm” tại thành phố Amsterdam, Hà Lan - Ảnh: MASK.<br>
Một “khu kinh doanh nhạy cảm” tại thành phố Amsterdam, Hà Lan - Ảnh: MASK.<br>
Ngày 23/10, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Tp. HCM đã đề xuất gom các ngành nghề kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội ở một khu vực riêng.

Đây cũng không phải lần đầu tiên đề xuất này được đưa ra. Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, thì hội nghị cũng ghi nhận rất nhiều ý kiến khác hẳn.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 24/10, ông Phong cho rằng, nếu ý kiến đó trở thành đề nghị chính thống của Tp.HCM hay của cấp chính quyền nào đó thì Chính phủ, Quốc hội mới xem xét.

Còn thực tế, pháp lệnh phòng chống mại dâm hiện hành chưa được nâng lên thành luật, Việt Nam vẫn cấm mại dâm, không cho phép hành nghề, thì sao tổ chức gom thành khu được?

Ông Phong cũng nói thêm,  ý kiến này thì không phải quá mới, đã nhiều người lên tiếng, công luận cũng đã đặt vấn đề này, một số nước trên thế giới cũng đã làm. Kinh nghiệm quốc tế như vậy là đã có, nhưng Pháp lệnh Phòng chống mại dâm hiện chưa thành luật thì không thể quy hoạch, đưa những người hoạt động bán dâm vào đó. Chỉ có thể căn cứ trên những ý kiến đề xuất này để nghiên cứu và hoạch định chính sách sau này.

Theo ông, một ý kiến đề xuất, dù ý kiến đó có cơ sở thực tiễn, cũng giúp cho công tác quản lý nhà nước nhưng không tương thích với pháp luật thì vấn đề cần phải thận trọng, nghiên cứu đã.

Và thêm một lần, vị Phó chủ nhiệm nhấn mạnh rằng, việc nghiên cứu để đề xuất chính thức là của cơ quan điều hành, của Chính phủ. Chính phủ hiện tại chưa đề xuất, ở góc độ Quốc hội cũng chưa có cơ sở để bàn về vấn đề này.

Giải thích Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng không thể “cầm đèn chạy trước ôtô”, song ông Phong cũng cho biết, từ khá lâu cơ quan này đề nghị sửa luật nhưng chương trình xây dựng luật pháp lệnh của Quốc hội chưa đưa vào vì còn nhiều việc bức thiết hơn phải giải quyết.

“Chúng tôi đã nói nhiều lần, trong quá trình kiểm tra đánh giá đã nêu quan điểm, thậm chí còn đề xuất bằng văn bản nữa rồi nhưng cụ thể, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, nội dung này cũng chưa có. Chưa sửa luật thì không có gì để tổng kết, đánh giá, nghiên cứu”, ông Phong giải thích thêm.

Trong khi đó, theo ông, những bất bật trong hoạt động quản lý mại dâm hiện nay thì có thể thấy rõ. Mại dâm giờ không dễ nhận diện khi người hoạt động dùng đến nhiều công nghệ cao để hỗ trợ, từ mại dâm qua hình thức đi du lịch, đi tour, gái gọi tới mại dâm đồng tính… và hàng loạt chuyện khác.

Số lượng gái mại dâm được lập hồ sơ (theo báo cáo là 11.000 người - PV) thì nền tảng đều là cũ, còn việc lập hồ sơ mới với gái mại dâm, ông Phong nhận định, gần như là một nhiệm vụ làm “bó tay” các nhà quản lý.

“Bộ máy vẫn như thế thì vấn đề vẫn vậy, là một tảng băng, nó vẫn chìm dưới nước và cứ lớn dần lên mà nếu cứ kéo dài tình trạng hiện nay, nó sẽ thành vấn nạn lớn cho xã hội”, ông Phong cảnh báo.

Đồng tình với phóng viên là hành lang pháp lý hiện tại đã quá hẹp cho vấn đề chống mai dâm nói riêng và phòng chống tệ nạn xã hội nói chung, ông Đặng Thuần Phong cho rằng cũng phải cố gắng làm sao để năm 2017 hoặc tệ lắm thì trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 tới cũng phải sửa luật.

Cũng giống như Luật Xử lý vi phạm hành chính có rất nhiều cái vướng, Luật Phòng chống ma túy đã quá lâu rồi, hàng loạt các vấn đề đó liên quan với nhau. Hệ lụy của mại dâm bao giờ cũng đi kèm với các tội phạm khác như cho vay nặng lãi, mua bán người, sử dụng ma túy để chăn dắt hàng loạt người tham gia… mà những hệ thống đó mình không điều chỉnh, không sửa trong tình hình này sẽ dẫn tới bó tay các cơ quan quản lý nhà nước, ông nói.

Trong khi chờ đề xuất chính thức của Chính phủ, theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, cũng cần có một cuộc giám sát của Quốc hội để tổng kết tình hình, từ giám sát mới ra được nghị quyết về vấn đề.

Trở lại đề xuất lập khu vực nhạy cảm, ông Phong khẳng định rất trân trọng những ý kiến trong hội thảo, sẽ có những ý kiến giúp ích cho việc hoạch định chính sách rất tốt.

“Đó là cơ sở để mình nghiên cứu và tổng kết thực tiễn, tuy nhiên, pháp luật hiện hành thì không cho phép công nhận hành nghề mại dâm, nên không thể ủng hộ ý kiến, đề xuất lập khu vực nhạy cảm sai luật này được. Còn nghiên cứu về thực tế này, tôi cho là quá cần thiết và từ góc độ nghiên cứu nhà nước thì phải lắng nghe những ý kiến này để nắm bắt thực tiễn, mặc dù nó có thể chỉ là số ít”, ông Phong nói.