15:23 20/03/2012

“Nặng nợ” vì trái phiếu Chính phủ

Nguyễn Lê

Việc thiếu kiểm soát trong bố trí vốn trái phiếu Chính phủ đã “tạo gánh nặng nợ rất lớn cho ngân sách nhà nước”

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015.
Dù đã nhiều lần đưa ra những đề nghị khá kiên quyết, song Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội dường như vẫn chưa vơi được nỗi lo “nặng nợ” trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Báo cáo thẩm tra về nguyên tắc, tiêu chí, kế hoạch bố trí vốn và danh mục dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 tại phiên họp thứ sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/3, Chủ nhiệm Ủy ban, ông Phùng Quốc Hiển đã chỉ ra khá nhiều thiếu sót, kể cả ở báo cáo của Chính phủ và qua giám sát thực tế.

Ông Hiển cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa giải quyết hết được các yêu cầu của Quốc hội như: chưa rà soát kỹ để loại bỏ các công trình, dự án không nằm trong danh mục nghị quyết của Quốc hội; chưa làm rõ các công trình, dự án không đưa vào chương trình trái phiếu Chính  phủ và phương án xử lý hậu quả sau cắt, giảm.

"Một số bộ, ngành và địa phương chưa thực sự cương quyết thực hiện việc rà soát, cắt, giảm, giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư các công trình, dự án đã có trong danh mục vốn trái phiếu theo Chỉ thị của Thủ tướng", báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Cạnh đó, qua giám sát, cơ quan thẩm tra đánh giá việc ưu tiên bố trí cho các công trình, dự án có khối lượng hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011 và các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 còn thiếu kiểm soát.

“Điều này đã dẫn đến các địa phương chỉ đạo thi công vượt khối lượng khá lớn so với số vốn được phê duyệt, không bám sát vào kế hoạch vốn được phê duyệt hàng năm để phân kỳ đầu tư, gây ra nợ khối lượng xây dựng cơ bản lớn ở nhiều địa phương, gây khó khăn cho các nhà thầu, tạo gánh nặng nợ rất lớn cho ngân sách nhà nước”, ông Hiển nhấn mạnh.

Thiếu kiểm soát cũng đã từng là vấn đề được Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi cuối năm 2011.

Đó là việc rà soát cắt, giảm các dự án đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chưa nghiêm túc, quyết liệt do thiếu các quy định, tiêu chí cụ thể. Đặc biệt, vẫn còn nhiều dự án khởi công mới sai đối tượng, không thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu năm 2011.

Cụ thể, năm 2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho phép bổ sung 40 dự án mới vào danh mục. Song, theo báo cáo của Chính phủ, đã có tới “333 dự án được khởi công mới sai đối tượng, không thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ”.

Nay, quan điểm của đa số ý kiến trong Ủy ban thống nhất không bổ sung mới các công trình, dự án nằm ngoài danh mục đã được Quốc hội cho phép. Dù, một số bộ, ngành, địa phương vẫn đề nghị được bố trí vốn cho một số dự án ngoài danh mục.
 
Do thiếu vốn nên nhiều dự án trọng điểm phải giãn, hoãn tiến độ thực hiện hoặc bố trí đủ vốn để thi công đến điểm dừng kỹ thuật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Vinh cũng cho biết, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 chỉ đáp ứng được 47,1% nhu cầu các bộ, ngành, địa phương đề nghị. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ thực hiện phân bổ 180.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn  này, không sử dụng vượt trần vốn cho giai đoạn 2011 - 2015 là 225.000 tỷ đồng để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, kế hoạch và phương án phân bổ vốn cho 4 năm và năm 2012.

Còn về lâu dài "không nên thực hiện chương trình trái phiếu Chính phủ như hiện nay. Trường hợp phát sinh công trình, dự án theo Nghị quyết Trung ương 4 thì xin phép Quốc hội cho phát hành công trái, trái phiếu công trình đối với từng dự án, công trình cụ thể và bảo đảm nguyên tắc ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia", ông Hiển nói.