09:09 07/02/2017

Ngành tôm quyết mang về kim ngạch 10 tỷ USD

Ngô Trang

Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm, phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một trung tâm tôm giống tại Cà Mau.<br>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một trung tâm tôm giống tại Cà Mau.<br>
“Ngành tôm được khẳng định cả về mặt quản lý và khoa học có thể phát triển thành ngành mũi nhọn của đất nước. Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm, phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới”.

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông chủ trì hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam, ngày 6/2 tại Cà Mau, nhằm tìm giải pháp để phát triển ngành nuôi, chế biến tôm thành ngành kinh tế nông nghiệp trọng điểm.

Tại hội nghị, đại diện nhiều bộ ngành, địa phương cùng các tổ chức nghề nghiệp đã nêu rõ quyết tâm và đề xuất nhiều giải pháp để kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 như yêu cầu của Thủ tướng, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Với quyết tâm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD.

Về tầm nhìn đối với ngành tôm, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam, trước hết là Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Từ đây, chúng ta sẽ chứng kiến những thương hiệu toàn cầu về tôm, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các công nghệ tiên tiến liên quan đến sản phẩm tôm như sản xuất con giống, nguồn thức ăn, công nghệ sinh học và tự động hóa trong nuôi trồng, chế biến tôm.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, cần khảo sát để quy hoạch những vùng phù hợp để phát triển nuôi tôm, không để tình trạng tự phát. Công tác quy hoạch phải đi liền với nhiệm vụ bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác. Quy hoạch tôm để phát triển chứ không phải để kìm hãm phát triển.

Thủ tướng cũng bày tỏ, Chính phủ, bộ ngành và các địa phương hiểu rõ sự lo ngại của việc phụ thuộc quá lớn vào con giống và thức ăn của ngành tôm vào các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời đề nghị phải kiểm soát tình trạng độc quyền nhóm trong việc cung cấp con giống và thức ăn của ngành tôm.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành phải nhanh chóng tìm được câu trả lời về giống và thức ăn cho tôm ở đâu để cung cấp, đáp ứng đầy đủ.

Các cơ quan Nhà nước cần chú trọng hỗ trợ cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp về tình hình cung, cầu, giá cả thị trường để người dân, doanh nghiệp cân đối kế hoạch nuôi tôm hợp lý, tránh chạy theo thông tin truyền miệng, không chính thống. Cần chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung hay phụ thuộc quá lớn vào một thị trường dẫn đến rủi ro khi thị trường đó gặp khó khăn hay biến động.

Về các vụ kiện bán phá giá, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, có trách nhiệm và sự sẵn sàng cao nhất nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam chân chính.

“Khi cần thiết, chúng ta không ngần ngại sử dụng các tham vấn pháp lý tốt nhất, những chuyên gia, luật sư giỏi nhất trong và ngoài nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta”, Thủ tướng khẳng định.

Nhắc lại câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Thủ tướng mong muốn các nhà sản xuất trong ngành phải đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, “đừng vì phát triển mà phá nhau không lành mạnh”.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quý 1 trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về con tôm để phát triển bền vững, hình thành một ngành công nghiệp sản xuất tôm Việt Nam.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có cơ chế vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm, trong đó lưu ý về cơ chế bảo đảm tiền vay không cần thế chấp hoặc thế chấp bằng tài sản là ao, đầm nuôi và tôm nuôi.