23:55 29/05/2010

Ngày 30/5, chính thức nhận bàn giao Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Từ Nguyên

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) sẽ chính thức nhận bàn giao Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào ngày 30/5

Tính đến cuối tháng 5/2010, Nhà máy đã chế biến được trên 3,2 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng và xuất ra tiêu thụ trên thị trường là 3,0 triệu tấn sản phẩm các loại, gồm: LPG, Propylen, xăng A95, xăng A92, dầu hỏa, JetA1, diesel (DO), dầu (FO).
Tính đến cuối tháng 5/2010, Nhà máy đã chế biến được trên 3,2 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng và xuất ra tiêu thụ trên thị trường là 3,0 triệu tấn sản phẩm các loại, gồm: LPG, Propylen, xăng A95, xăng A92, dầu hỏa, JetA1, diesel (DO), dầu (FO).
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) sẽ chính thức nhận bàn giao Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào ngày 30/5.

Tại buổi họp báo công bố sự kiện trên vào chiều 29/5, Tổng giám đốc Petro Vietnam Phùng Đình Thực cho biết, vào sáng 29/5, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã ký văn bản nghiệm thu, cho phép công trình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được chính thức đưa vào hoạt động.

Trước đó, vào ngày 25/5, trên cơ sở kết quả vận hành chạy thử, chạy nghiệm thu nhà máy, Petro Vietnam đã cấp chứng chỉ nghiệm thu sơ bộ cho tổ hợp nhà thầu Technip, song tổ hợp nhà thầu này vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bảo hành nhà máy trong thời gian 2 năm.

Lễ bàn giao chính thức nhà máy sẽ được Petro Vietnam và tổ hợp nhà thầu Technip tổ chức vào ngày 30/5.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, được Chính phủ giao cho Petro Vietnam triển khai thực hiện tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi với số vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, có công suất 6,5 triệu tấn/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong cả nước.

Từ năm 1997 đến năm 1998, dự án được triển khai theo Quyết định 514/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2003 tiến hành hợp tác với Nga để xây dựng nhà máy theo tỷ lệ góp vốn 50/50. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến tháng 2/2003, dự án trở lại hình thức Việt Nam tự đầu tư.

Ngày 17/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 546/QĐ-TTg quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án. Cũng trong tháng 6/2005, hợp đồng EPC 1+4 và 2+3 do Petro Vietnam ký với tổ hợp nhà thầu Technip có hiệu lực, tiến độ tổng thể của dự án được ấn định là 44 tháng.

Ngày 25/5/2010, quá trình chạy nghiệm thu đã thành công, nhà máy đã vận hành 100% công suất thiết kế, đảm bảo an toàn, sản xuất ra tất cả các các chủng loại sản phẩm theo đúng thiết kế, đạt chất lượng cao, được cấp các chứng chỉ theo đúng quy định.

Đến thời điểm này, Nhà máy vẫn còn lại 7 điểm tồn tại và 34 lỗi kỹ thuật nhỏ, không ảnh hưởng đến an toàn vận hành sản xuất và chất lượng sản phẩm của nhà máy đã được tổng thầu lên lịch chỉnh sửa trong giai đoạn đầu của thời gian bảo hành công trình và được Hội đồng Nghiệm thu cũng như Petro Vietnam chấp thuận.

Tính đến cuối tháng 5/2010, số lượng dầu thô Bạch Hổ đã nhập vào nhà máy khoảng trên 4 triệu tấn phục vụ công tác chạy thử, chạy nghiệm thu. Nhà máy đã chế biến được trên 3,2 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng và xuất ra tiêu thụ trên thị trường là 3,0 triệu tấn sản phẩm các loại, gồm: LPG, Propylen, xăng A95, xăng A92, dầu hỏa, JetA1, diesel (DO), dầu (FO).

Ngày 20/2/2009, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã cung cấp giấy xác nhận chất lượng sản phẩm cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Có 7 sản phẩm của nhà máy đã đạt huy chương vàng tại Hội chợ Thương mại Quốc tế (Vietnam Expo) 2010. Sản phẩm Kerosene/Jet A1 (nhiên liệu máy bay phản lực) đã được cấp chứng chỉ chất lượng quốc tế và chính thức đưa ra thị trường.

Sau khi nhận bàn giao, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được chuyển giao cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn vận hành và quản lý. Với doanh số hàng năm dự kiến đạt trên 65.000 tỷ đồng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được kỳ vọng sẽ làm tăng nguồn thu ngân sách và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ khác của tỉnh Quảng Ngãi.