11:10 05/11/2014

Nghị trường rối bời với Long Thành

Nguyễn Lê

Chiều 14/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án sân bay Long Thành

Phối cảnh dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.<br>
Phối cảnh dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.<br>
Đồng tình không ít và phản đối cũng nhiều, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn rối bời tại các ý kiến thảo luận tổ của Quốc hội, chiều 4/11.

Mới xin chủ trương về việc rất cần làm thì không có gì mà không đồng ý cả, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) tỏ rõ quan điểm.

Theo phân tích của đại biểu Nam thì yêu cầu phải có cảng hàng không hiện đại là nhu cầu hiện hữu, mà sân bay Tân Sơn Nhất lại không mở rộng được vì đất đã sử dụng vào mục đích khác hết rồi.

"Tôi đọc tài liệu thấy nói nếu mở rộng sân bay này thì phải di chuyển nửa triệu dân, khủng khiếp", ông Nam nói thêm.

Vị đại biểu này cũng khá lạc quan vì chưa cần cân đối ngân sách cho sân bay Long Thành ngay lúc này và cũng “chưa ai phát ngôn chính thức về phương án vốn liếng thế nào, biết đâu có nhà đầu tư nước ngoài vào cùng làm thì sao”.

Tuy nhiên, với đại biểu Võ Thị Dung (Tp.HCM) thì lý do sân bay Tân Sơn Nhất quá tải là không thuyết phục.

"Sân golf song song với đường băng, tại sao không lấy đất đó để mở đường băng mà lại lấy lý do đó là quá tải và phải xây sân bay Long Thành?", bà Dung bức xúc.

Đại biểu Dung cũng nhấn mạnh sân golf là dự án làm "mất lòng dân và mất lòng tin" nhưng vẫn được duyệt.

"Cần nghiên cứu sớm để hủy dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất đi, để mở rộng sân bay này", bà Dung đề nghị.

Về sân bay Long Thành, đại biểu Dũng cho rằng cần tính lại quy mô, như tờ trình hiện nay là quá lớn. Thời điểm đầu tư cũng phải nghiên cứu về nhiều mặt, lấy ý kiến tư vấn phản biện trong và ngoài nước.

"Để sau năm 2030 hãy tính toán để giảm gánh nặng cho dân", bà Dung đề nghị.

Cùng đoàn Tp.HCM, cả đại biểu Huỳnh Minh Thiện và Đỗ Văn Đương đều cho rằng cần hủy dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.

"Hơn 4 năm qua, hết 50% thời gian cử tri Tân Bình nói về sân golf và sân bay Long Thành, nếu nói không có cơ sở mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì cử tri người ta không tin", đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Cũng như đại biểu Dung, đại biểu Đương cho rằng thời điểm đầu tư phải ít nhất sau 2030 khi có "của ăn của để" rồi, còn hiện tại nhiều việc phải làm, không “tiếp tục trích máu ra nữa”.

"Nợ công chồng chất, lương không tăng mà bàn chuyện lấy bao nhiêu tiền làm sân bay rất vô lý", đại biểu Nguyễn Văn Minh góp ý.

Song theo một số vị khác cùng ở đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM thì nếu chứng minh được là sân bay Tân Sơn Nhất không thể nâng công suất lên được nữa, thì dù có vay nợ cũng phải làm sân bay Long Thành.

"Đến 2020 đầu tư là được, 2030 dài quá. Tốt thì 2016 - 2017 là được. Còn nợ, thì chắc chắn phải nợ", đại biểu Phạm Văn Gòn tham gia.

Với các đoàn khác, một số vị cũng còn băn khoăn về thời điểm đầu tư. Đại biểu Đặng Văn Hiếu (Thanh Hóa) cho rằng đầu tư là cần thiết rồi nhưng chưa đến mức cấp thiết trong điều kiện kinh tế hiện nay.

Đề nghị giải trình thêm về sự cấp thiết, đại biểu Hiếu cũng cho rằng cần phải tính toán kỹ chứ không nên vội vàng, từ nay đến 2020 chuẩn bị các thủ tục đầu tư và có thể 2020 mới khởi công được.

Hoàn toàn đồng ý để Quốc hội quyết chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) phân tích, nếu chưa quyết chủ trương thì đề án khả thi sẽ không có kinh phí để thực hiện.

Theo chương trình kỳ họp, chiều 14/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.