12:01 16/12/2013

Ngoại trưởng Mỹ trông đợi lập Đại học Fulbright tại Việt Nam

Nhật Nam

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng nền tảng giáo dục là rất quan trọng đối với sự chuyển biến tại Việt Nam

Ngoại trưởng Kerry nói chuyện với các sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, trong chuyến thăm Việt Nam từ 14-17/12 - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Ngoại trưởng Kerry nói chuyện với các sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, trong chuyến thăm Việt Nam từ 14-17/12 - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
“Tôi rất vui khi thấy lãnh đạo của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright có mặt tại đây hôm nay, và tôi trông đợi được làm việc với Chính phủ Việt Nam để thành lập Đại học Fulbright tại Việt Nam trong tương lai gần”.

Đây là một phát biểu đáng chú ý của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại buổi gặp các thành viên của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ và Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại Tp.HCM, hôm 14/12.

Nhấn mạnh tầm nhìn của các nhà giáo dục và nền tảng giáo dục là rất quan trọng đối với sự chuyển biến tại Việt Nam, ông Kerry - một cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam - nói Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright là chương trình mà ông tự hào ủng hộ. “Chúng tôi đã thiết lập và xây dựng chương trình này thành chương trình Fulbright lớn nhất trên thế giới.  Hiện tại, tôi nghĩ rằng nó là chương trình lớn thứ hai trên thế giới và chúng tôi đã xem xét việc làm cho nó trở lại vị trí đầu tiên, nếu chúng ta tiếp tục thực hiện chương trình này”, ông nói.

“Lần đầu tiên khi tôi quay trở lại đây vào khoảng năm 1990, Việt Nam là một đất nước rất khác biệt. Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn rất bế tắc. Lại còn có lệnh cấm vận và hai nước chưa giải quyết các vấn đề khó khăn còn lại của chiến tranh. Nhiều người trong chúng ta lúc đó đã mơ về một thời khắc mà khi nghĩ về Việt Nam, sẽ không nghĩ về cuộc chiến mà chỉ nghĩ về một đất nước có những điều bình thường mà nước nào cũng có. Tôi rất tự hào và vui mừng để nói với các bạn rằng đối với tôi, ngày hôm nay đại diện cho thời khắc đó”, ông Kerry phát biểu tại cuộc gặp.

Ngoại trưởng Mỹ bình luận: “Tôi nghĩ không có hai nước nào từng làm việc tích cực hơn, làm nhiều việc hơn và làm tốt hơn để cố gắng xích lại gần nhau, để thay đổi lịch sử, thay đổi tương lai và mang lại một tương lai giờ đã rất khác xa cho người dân”.

Cho dù theo ông, “vẫn còn nhiều điều cần phải đạt được, nhiều việc cần làm”.

Và ông kết luận: “Không ai không ngạc nhiên về Việt Nam hiện đại. Những gì đã diễn ra trong vòng hơn hai mươi năm qua là rất đáng kinh ngạc. Tôi có thể nói rằng sự chuyển biến này không phải xảy ra ngẫu nhiên. Nó là kết quả của sự cam kết và tầm nhìn của nhiều người có mặt tại đây trong căn phòng này”.

“Cách đây nhiều năm, khi bạn nói từ “Việt Nam”, chúng ta chỉ nghĩ về một cuộc chiến. Nhiều người trong chúng ta không muốn nghĩ theo cách đó. Giờ đây, khi bạn nói từ “Việt Nam”, bạn nghĩ về một đất nước, bạn nghĩ về một sân chơi đã thay đổi, một trong những quốc gia đang tăng trưởng, chuyển đổi và đóng góp của thế giới”.