08:27 08/09/2016

Người nước ngoài có thể được hoạt động tín ngưỡng như người Việt

Nguyên Vũ

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng đã gửi báo cáo các vị đại biểu chuyên trách nhiệm kỳ mới 8 vấn đề

Tín ngưỡng, tôn giáo là dự thảo luật đã từng được thảo luận từ Quốc hội khoá 13 và còn rất nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau. Trong ảnh: Đại biểu -  Hòa thượng Thạch Huôn phát biểu ý kiến về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Tín ngưỡng, tôn giáo là dự thảo luật đã từng được thảo luận từ Quốc hội khoá 13 và còn rất nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau. Trong ảnh: Đại biểu -  Hòa thượng Thạch Huôn phát biểu ý kiến về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Sáng 8/9, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ bắt đầu phiên thảo luận thứ nhất với dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Hai buổi thảo luận tiếp theo sẽ dành cho dự án Luật Về hội.

Đây là hai dự thảo luật đã từng được thảo luận từ Quốc hội khoá 13 và còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau.

Với dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng - cơ quan thẩm tra dự án luật - đã gửi các vị đại biểu chuyên trách nhiệm kỳ mới báo cáo về 8 vấn đề.

Một trong số đó là hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài.

Về vấn đề này, khi thảo luận tại Quốc hội khoá 13, một số đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và quy định cụ thể hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. 

Cơ quan thẩm tra cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã dành một mục với 7 điều luật quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài và thiết kế một điều về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài trong chương quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

Theo đó, người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam, kể cả việc theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo Việt Nam hay được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử.

Bên cạnh nội dung trên, quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cũng là nội dung được tiếp thu, chỉnh lý.

Quá trình thảo luận từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Quốc hội khoá 13, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật còn quá nhiều quy định mang nặng tính hành chính, “xin - cho” và đề nghị quy định theo hướng giảm các thủ tục hành chính, tăng hình thức thông báo.

Trước hội nghị này, cơ quan thẩm tra đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại dự thảo luật, điều chỉnh các thủ tục hành chính phù hợp hơn với quan điểm xây dựng luật. 

Đến nay, rất nhiều nội dung trong dự thảo đã chuyển từ hình thức đăng ký - cấp phép hoặc đề nghị - chấp thuận sang hình thức thông báo. Dự thảo Luật cũng quy định rõ các trường hợp cơ quan có thẩm quyền được từ chối đăng ký, đề nghị của tổ chức, cá nhân có tín ngưỡng, tôn giáo, minh bạch hoá các thủ tục hành chính, thẩm quyền và thời gian xử lý... 

Những điểm mới này nhằm góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Đồng thời thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với những vấn đề thuộc về nội bộ của tổ chức tôn giáo, báo cáo của uỷ ban thẩm tra nêu rõ.

Tiếp thu ý kiến Quốc hội, quy định về công nhận tổ chức tôn giáo cũng đã được chỉnh lý tại dự thảo luật mới nhất.

Theo đó, điều kiện để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo phải hoạt động ổn định trong 10 năm đã rút xuống còn 5 năm.

Dự thảo luật cũng đã bổ sung một điều quy định về tư cách pháp nhân đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Theo đó, “Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận”.

Còn  tổ chức tôn giáo trực thuộc sau khi được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, nếu có nhu cầu đăng ký pháp nhân phi thương mại thì phải được tổ chức tôn giáo đề nghị, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó và nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.