18:51 29/09/2010

Người tiêu dùng có thể được miễn tạm ứng án phí

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với quy định người tiêu dùng được miễn tạm ứng án phí, lệ phí tòa án

Cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại phiên họp ngày 29/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với quy định người tiêu dùng được miễn tạm ứng án phí, lệ phí tòa án.

Mục đích của quy định này là để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận với phương thức giải quyết tranh chấp tại tòa án. Đồng thời được cho là phù hợp với xu hướng hiện nay, trong một số vụ việc liên quan đến lợi ích của xã hội thì Nhà nước cần phải có cơ chế hỗ trợ người khởi kiện thông qua việc miễn tạm ứng án phí hoặc lệ phí cho tòa án.

Trong vụ việc Công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường, thậm chí án phí cho việc khởi kiện còn được cơ quan Nhà nước hỗ trợ, cơ quan thẩm tra dự án luật nhấn mạnh.

Tuy vậy, nhiều vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với dự thảo luật, trong trường hợp người tiêu dùng thua kiện thì vẫn phải nộp án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật để tránh việc lạm dụng quy định khiếu kiện tràn lan.

Cùng liên quan đến cơ chế và hình thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân, sản xuất kinh doanh, dự thảo luật mới nhất đã bỏ quy định phương thức giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính.

Bởi, khi cho ý kiến về dự án luật này tại phiên họp trước, nhiều vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không đồng tình khi dự luật đưa ra phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của cơ quan công quyền. Vì, việc dân sự chuyển sang cơ quan hành chính giải quyết là không phù hợp với pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, theo phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận tại phiên họp sáng nay thì vấn đề này chưa được giải quyết căn cơ. Bởi tại Điều 25 vẫn quy định khi quyền lợi hợp pháp bị xâm hại, người tiêu dùng thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện. Rồi Điều 27 cũng quy định cơ quan Nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu vụ việc khi nhận được yêu cầu của người tiêu dùng…

“Đã góp ý rất nhiều lần nhưng cứ giữ lại những quy định này là không nghiêm túc, tất cả người làm pháp luật không ai chấp nhận ý này cả”, Chủ nhiệm Thuận nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, vì Chính phủ đã thông qua dự án luật nên quá trình tiếp thu phải báo cáo lại với Chính phủ. Và, Thủ tướng đã có ý kiến, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có cơ chế đặc thù nên cần có sự tham gia của cơ quan nhà nước.

 “Thủ tướng yêu cầu báo cáo lại và đề nghị xem xét chấp thuận sự tham gia nhất định của cơ quan hành chính nhà nước”, Bộ trưởng nói.

Chỉ ra một số quy định trái với Bộ luật Dân sự, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng với một số quy định quá nghiêng về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà không quan tâm đến quyền lợi của người kinh doanh. Trong khi người mua và người bán đều bình đẳng trước pháp luật.

“Tóm lại hợp đồng là căn cứ số 1 để giải quyết tranh chấp chứ không thể bất chấp quyền lợi của người kinh doanh để bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng”, ông Vượng nói.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám và dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.