11:06 20/06/2017

Nhà nước sẽ chủ động phục hồi danh dự cho người bị oan

Nguyễn Lê

Quốc hội đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018

Quốc hội bấm nút thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Quốc hội bấm nút thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước đã bổ sung một quy định đáng chú ý về việc chủ động phục hồi danh dự cho người bị oan.

Sáng 20/6, Quốc hội đã thông qua luật này, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Phục hồi danh dự cho người bị oan là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập trong các phiên thảo luận, khi dự thảo luật vẫn tiếp cận vấn đề theo hướng, chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ. Còn nếu như người bị oan không có đơn yêu cầu thì việc xin lỗi công khai và phục hồi danh dự sẽ không diễn ra.

Tuy nhiên, theo một số đại biểu Quốc hội thì cần chỉnh lý điều này theo hướng là trong mọi trường hợp, sau khi có văn bản xác định là oan thì cơ quan tố tụng chủ động tổ chức xin lỗi công khai người bị oan và phục hồi danh dự cho họ, trừ trường hợp người bị oan đề nghị không tổ chức xin lỗi công khai.

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua đã bổ sung điều 57 quy định về chủ động phục hồi danh dự, đồng thời chỉnh lý lại các quy định ở các điều có liên quan cho phù hợp.

Điều 57 quy định: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kể từ ngày có bản án, quyết định quy định tại điều 55 của luật này có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại về việc Nhà nước tổ chức thực hiện phục hồi danh dự.

Trường hợp người bị thiệt hại đồng ý với nội dung trong thông báo thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thực hiện phục hồi danh dự theo quy định của luật này. Còn trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý với nội dung trong thông báo thì có ý kiến đề nghị cụ thể về nội dung đó để cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có cơ sở thực hiện phục hồi danh dự.

Ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ xác định thiệt hại tính theo mức lương tối thiểu vùng và căn cứ xác định thiệt hại tính theo mức lương cơ cở cũng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình.

Theo đó, quy định thiệt hại về vật chất được xác định theo mức lương tối thiểu vùng nhằm mục đích phù hợp với mức thu nhập, điều kiện sinh hoạt, điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, miền. Đồng thời, cũng bảo đảm tốt hơn quyền của người bị thiệt hại, vì mức lương tối thiểu vùng hiện nay cao hơn mức lương cơ sở.

Đối với thiệt hại về tinh thần không thể xác định theo vùng, miền, thì lấy mức lương cơ sở làm căn cứ chung để áp dụng với mọi trường hợp, phù hợp với tính chất “phi tài sản” của loại thiệt hại này.