23:34 06/06/2013

Nhật ký nghị trường: Chống “trời” và chống lãng phí

Nguyên Thảo

Quốc hội hôm 6/6 có một ngày khá bận rộn bởi hai dự án luật đều có liên quan đến chữ “chống”

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị kể, khi về làm Bộ trưởng Bộ 
Văn hóa - Thông tin, ông đã yêu cầu bỏ chuyện tặng quà ở các lễ mít 
tinh, kỷ niệm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị kể, khi về làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, ông đã yêu cầu bỏ chuyện tặng quà ở các lễ mít tinh, kỷ niệm.
Buổi sáng thảo luận tại hội trường, chiều họp theo tổ, Quốc hội hôm 6/6 có một ngày khá bận rộn bởi hai dự án luật đều có liên quan đến chữ “chống”.

Khá nhiều trong số 27 vị đăng đàn góp ý hoàn thiện dự án Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai ở phiên họp toàn thể đã dành không ít thời gian cho cái tên, với đề nghị thay “chống” vào “tránh”.

Kể thì cũng hơi lạ, bởi đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trước, sau đó lại tiếp tục bàn thảo và xin ý kiến để hoàn thiện.

Vậy nhưng, ở ý kiến mở màn, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga  (Nam Định) đã đề nghị tên gọi của luật là: Luật Phòng, chống thiên tai.

Nữ đại biểu phân tích lý do khá dài, nhưng tóm lại là thiên tai có loại chống được, có loại tránh được, nhưng có loại không thể tránh được như động đất, sóng thần… Tên gọi là phòng, chống thiên tai vừa ngắn gọn vừa bao quát lại thể hiện tính chủ động để phòng, chống khi có thiên tai xảy ra.

Một lý do nữa được vị đại biểu này nhấn mạnh là “khái niệm phòng, chống thiên tai cũng đã dùng quen thuộc trong đời sống”.

Đa số ý kiến tiếp theo cũng nhất trí với đại biểu Nga về việc đổi tên và cả lý do về sự quen thuộc.

Không nhất trí với cả tên mới lẫn tên ban đầu, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cho rằng nên lấy tên là Luật Phòng, khắc phục hậu quả thiên tai. Vì sử dụng cả "phòng, tránh" thì trùng, thừa. Còn chống là chống tham nhũng, chống tội phạm, chống khủng bố, nó là chủ thể cụ thể, con người cụ thể, không thể lấy chống các nhân vật khác và áp đặt vào chống thiên tai

“Thiên tai là trời, thì chống làm sao!”, đại biểu Kỳ than thở.

Đồng tình với đại biểu Kỳ, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng băn khoăn trước nhiều viện dẫn về sự quen thuộc của khái niệm phòng, chống thiên tai. “Tôi nghĩ dân không đến nỗi thói quen mà không thay đổi được đâu, nên đi đúng vào bản chất của nó, có thể lúc này là đa số đúng, lúc khác ý kiến thiểu số đúng!”, bà An phát biểu.

Nhấn mạnh tên luật là vấn đề lớn, Phó chủ tịch Kim Ngân nói Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, tiếp thu, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tạm ngưng bàn chuyện “chống trời” hay “tránh trời”, chiều nay các vị đại biểu bàn thảo về dự án luật cũng có chữ chống, nhưng là chống lãng phí.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị kể, khi về làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, ông đã yêu cầu bỏ chuyện tặng quà ở các lễ mít tinh, kỷ niệm.

“Mỗi đại biểu ra về khi thì cái túi, khi thì cái áo, cái mũ… và trước khi tổ chức các cuộc mít tinh ấy có những đơn vị tài trợ đến đặt vấn đề xin tặng để quảng cáo, cũng có đơn vị gợi ý mua sản phẩm ấy để tặng cho đại biểu. Sau tôi thấy từ lãnh đạo cao cấp cho tới các đại biểu mỗi người ra về cứ xách một cái túi không được lịch sự, sang trọng gì, thậm chí người nhận cái đó đôi khi về chả dùng vào việc gì cả”.

Ông cũng nêu thêm bài học kinh nghiệm từ nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.

“Có lần tôi đi dự hội nghị cùng đồng chí Đỗ Mười, tôi thấy đồng chí không cho lễ tân gắn hoa vào ngực, đến lúc lễ tân thấy bác ấy ngồi ở vị trí quan khách rồi, nhưng không thấy gắn hoa lại cử người cầm hoa chạy lên xin bác cho gắn, nhưng bác không cho gắn. Bác bảo tôi là việc này lãng phí lắm chú ạ, không đem lại ý nghĩa gì. Sau đó tôi đề nghị toàn ngành văn hóa - thông tin từ nay trở đi mít tinh, lễ lạt các thứ không bao giờ được gắn hoa lên ngực thế nữa”, ông Nghị kể.

Câu chuyện thứ ba là khi Nhà hát lớn mỗi lần có sự kiện gì là bắn pháo hoa (giấy) Trung Quốc. “Tôi thấy rất rác, mỗi lần lên sân khấu nó trùm kín cả đầu cả mặt, bám dính vào phông màn trên sân khấu, mình ngồi dưới tự nhiên lại thấy vài sợi từ trên rơi xuống. Từ đó tôi có quy chế yêu cầu tất cả các sự kiện tổ chức ở Nhà hát lớn không được bắn pháo hoa nữa, ai đồng ý mới được thuê, nếu không thì thôi”.

Cũng theo phân tích của Bí thư Nghị thì “bản thân mình tiêu dùng cái gì của cá nhân là tính toán lắm”. Còn tài sản công thì người ta hiểu là không là của ai, đôi khi người nào quyết thoáng, chi càng hoang, càng hoành tráng, có khi lại được mọi người hoan nghênh, vì ông dùng cái chung ban phát cho mọi người nhiều, hai là tốn kém đó không phải tốn kém cá nhân, không thuộc trách nhiệm người nào phải chịu cả.

“Thực tế là vậy, song quy định nhất người đứng đầu có trách nhiệm thế nào khi để xảy ra lãng phí thì lại chưa rõ ở dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)”, ông Nghị góp ý.

Dẫn con số tại báo cáo Chính phủ là lãng phí 20 nghìn tỷ đồng/năm, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch cho rằng cơ chế còn tạo nhiều cơ hội để gây ra lãng phí. “Luật có rồi nhưng có xử được tội lãng phí ra tòa đâu, chỉ có tội tham nhũng thôi”, ông Thạch thở than.

Nhận xét là sử dụng ngân sách công, chế độ tiêu chuẩn rất lãng phí, đại biểu Bùi Thị An nói, “dân biết rất kỹ đồng chí nào khi thay đổi chức vụ là yêu cầu cấp dưới đi mua xe mới hay vẫn giữ nguyên xe cũ. Các cán bộ cao cấp cũng nên làm gương, tránh bệnh hình thức, lãng phí ở đội ngũ cán bộ cao cấp”.