22:24 27/05/2013

Nhật ký nghị trường: Lời xin lỗi và dự thảo Hiến pháp mới

Nguyên Thảo

“Viết hay thì nhiều người viết được, nhưng phù hợp với ta thì là vấn đề khác”

Chủ tịch nước ngồi cạnh TS. Trần Du Lịch, vị đại biểu trước khi góp ý cụ
 thể vào các điều còn có nhiều phương án tại dự thảo đã rất thẳng thắn 
“tự kiểm điểm” - Ảnh: N.H.<br>
Chủ tịch nước ngồi cạnh TS. Trần Du Lịch, vị đại biểu trước khi góp ý cụ thể vào các điều còn có nhiều phương án tại dự thảo đã rất thẳng thắn “tự kiểm điểm” - Ảnh: N.H.<br>
Có mặt tại phiên thảo luận tổ đoàn Tp.HCM sáng 27/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chăm chú nghe các vị đại biểu Quốc hội góp ý hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Chủ tịch nước ngồi cạnh TS. Trần Du Lịch, vị đại biểu trước khi góp ý cụ thể vào các điều còn có nhiều phương án tại dự thảo đã rất thẳng thắn “tự kiểm điểm”.

Lý do khiến ông Lịch phải làm việc này mới nghe qua thì rất "ngược đời", bởi ông là một trong số các vị đại biểu Quốc hội được chọn làm thành viên ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Điều này đồng nghĩa với việc được theo sát quá trình soạn thảo, và quan trọng là cơ hội tham gia, đóng góp cũng sâu hơn, và về một khía cạnh nào đó, cũng có thể nói ông là “người trong cuộc”.

Ra Bắc vào Nam không ít, tranh luận cân lên đặt xuống cũng nhiều, song đến cuối tháng 3 vừa qua, tại hội nghị dành cho các đại biểu chuyên trách góp ý Hiến pháp, ông Lịch vẫn nhận xét rằng, “cái quan trọng nhất có thể làm được thì chúng ta làm qua loa, trong khi lại sửa những chỗ không cần thiết”.

Cái quan trọng nhất có thể làm, theo đại biểu Lịch, là nằm ở quy định tại chương về chính quyền địa phương và điều 59 về quản lý ngân sách.

Để khắc phục sự “qua loa” tại dự thảo, ông Lịch đã hứa tự thiết kế chương này theo hướng nâng được tự chủ địa phương, tách biệt ngân sách quốc gia, ngân sách địa phương để “chặt” hoàn toàn cơ chế xin - cho như hiện nay.

Thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ như vậy, nhưng ngay lúc đó ông cũng nói, “tuy nhiên chấp nhận hay không là tùy ban soạn thảo”.

Cùng với chương Chính quyền địa phương, vị đại biểu là tiến sỹ kinh tế này còn tham gia sâu vào phần kinh tế tại Chương III. Và lời hứa “tự thiết kế” đã được ông thực hiện nghiêm túc, và đã được nhận nhuận bút.

Vậy nhưng, “dự thảo Hiến pháp mới nhất đã không đưa vô chữ nào cả, nên tôi thấy không hoàn thành nhiệm vụ, tôi xin lỗi các đồng chí”, đại biểu Lịch nói.

Dù thế, ông vẫn tiếp tục đóng góp vào các nội dung mà dự thảo đang để hơn một phương án, và vẫn băn khoăn với câu trả lời cho câu hỏi chính quyền địa phương là ai, đia vị pháp lý thế nào. Bởi theo ông, mô hình chính quyền địa phương hiện tại là mô hình "chế biến" từ chính quyền Xô viết, hiện đã không còn phù hợp.

Nhiều ý kiến khác, không cùng tổ thảo luận với đại biểu Lịch cũng tỏ sự thất vọng, và cũng không chỉ với chương Chính quyền địa phương.

Cũng là thành viên ban biên tập, nhà sử học Dương Trung Quốc, ngay từ phiên khai mạc đã trao đổi với VnEconomy rằng, sửa Hiến pháp là cơ hội lịch sử, 20 năm mới có thể diễn ra một lần.

Vì thế, theo ông, nếu cần thiết thì có thể lùi thời điểm thông qua Hiến pháp để “trả nợ” dân ba dự án luật về biểu tình, trưng cầu dân ý và về hội. Có được những luật này thì việc lấy ý kiến nhân dân mới đi vào đúng bản chất, mới thực sự trao cho dân quyền phúc quyết Hiến pháp.

Ngày hôm nay, thảo luận ở tổ, ông Dương Trung Quốc cũng đã đề cập đến việc, bản dự thảo lần thứ ba về Hiến pháp, được đưa ra vào thời điểm vừa kết thúc thời gian sôi nổi lấy ý kiến nhân dân, là bản dự thảo phong phú với tinh thần cởi mở, nhiều ý kiến khác nhau.

“Đó cũng là thời điểm mà đưa ra hai phương án đổi tên nước. Lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội khi chủ trì họp đã đề nghị xây dựng thành hai phương án cho Quốc hội thảo luận và để người dân cùng chia sẻ. Nhưng đến bản dự thảo cuối cùng, tất cả các vấn đề được gọi là nhạy cảm nhất, được xã hội quan tâm nhất đã trở lại như ban đầu”, ông Quốc nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp, chiều nay cũng đã khá “dũng cảm” khi trình bày “nỗi khổ” của quá trình soạn thảo.

Ý tứ được ông Lý đặc biệt nhấn mạnh, là "viết hay thì nhiều người viết được, nhưng phù hợp với ta thì là vấn đề khác". Ví như các ý kiến nói  không nên cái gì cũng thể hiện trong Hiến pháp như Cương lĩnh, phải có cách viết khác, giữ ý tứ tinh thần thôi là rất đúng. Nhưng nhiều ý kiến cũng khó tính, “cương lĩnh viết thế này mà các anh viết thế này, tại sao bỏ cái chữ này, không bỏ chữ kia?”, ông Lý phân trần.

Còn nhiều tâm tư khác về một dự thảo Hiến pháp mới. Song, tâm sự của Trưởng ban Biên tập Phan Trung Lý có lẽ cũng là một phần câu trả lời cho cả day dứt của nhà sử học Dương Trung Quốc lẫn TS. Trần Du Lịch, hai vị đại diện cho dân mà tiếng nói thường được nhiều cử tri mong đợi.