21:58 12/06/2013

Nhật ký nghị trường: Sao chưa thấy hồi âm?

Nguyên Thảo

Có chất vấn được gửi đi từ kỳ họp Quốc hội thứ ba vào giữa năm 2012 đến nay chưa có hồi âm

Thống đốc Nguyễn Văn Bình xuất hiện trong giờ giải lao phiên chất vấn chiều 12/6 - Ảnh: NH.<br>
Thống đốc Nguyễn Văn Bình xuất hiện trong giờ giải lao phiên chất vấn chiều 12/6 - Ảnh: NH.<br>
Đã bắt nhịp chất vấn nhưng dư âm của cuộc lấy phiếu tín nhiệm mà kết quả được công bố sáng 11/6 vẫn còn khá mạnh mẽ.

Đem thắc mắc của cử tri đã được phản ánh trong nhật ký nghị trường ngày 11/6 chia sẻ, đặng tìm câu trả lời với một vị đại biểu là phó chủ nhiệm một ủy ban của Quốc hội, ông bảo chính ông cũng đang băn khoăn là sao có nhiều vị đại biểu có tới trên 10 phiếu không hợp lệ. Hơn nữa, lại hầu hết tập trung ở danh sách thành viên Chính phủ?

Tìm một thành viên ban kiểm phiếu, mới hay phiếu dành cho nhóm các thành viên Chính phủ in danh tính ở hai mặt, nên dù đã được Trưởng ban Kiểm phiếu lưu ý thì một số vị vẫn quên.

Cũng không loại trừ một giả thiết như vị phó chủ nhiệm nói trên đặt ra, là do không đủ thông tin nên đành không chọn mức tín nhiệm nào cả.

Góc nhìn từ báo chí cũng là câu chuyện khá rôm rả bên lề phiên họp sáng 12/6. Một số vị đại biểu chia sẻ với nhau cảm giác khi nhìn tấm hình một trong 47 vị được lấy phiếu đứng lặng một mình sau khi nghe kết quả.

Xuất hiện để sẵn sàng "chia lửa" cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tại phiên chất vấn buổi chiều, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận được rất nhiều lời chia sẻ của cả đại biểu và khách mời. Ông cũng tươi cười trò chuyện khá lâu với nhiều vị khác trong giờ giải lao.

Cũng trong ngày 12/6, Thống đốc đã ký một văn bản giải trình về một nội dung được một vị đại biều đề cập khi tham gia thảo luận về kinh tế xã hội hôm 30/5 vừa qua. Đây cũng là một động thái được xem là tích cực, nhất là trong khi khá nhiều đại biểu vẫn đang phải chờ văn bản trả lời, dù nội dung chất vấn đã được gửi đi không phải lâu mà rất lâu rồi.

Một trong số các vị đại biểu đã gửi văn bản chất vấn đến một thành viên Chính phủ cho biết vẫn chưa nhận được câu trả lời, dù thời điểm gửi đã hơn chục ngày. Nhưng điều được vị đại biểu này cho là “kỳ” hơn, khi có chất vấn từ kỳ họp thứ ba vào giữa năm 2012 đến nay vẫn chưa có hồi âm.

“Tôi có hỏi Ban Công tác đại biểu thì họ nói đã nhắc nhở rồi và cả một số vị đại biểu khác cũng có gửi chất vấn mà cũng vẫn chưa có câu trả lời”, vị này cho biết.

Đọc kỹ trên 150 chất vấn bằng văn bản được gửi đến các thành viên Chính phủ, cũng thấy câu hỏi sao chưa có hồi âm hiện lên mồn một ở không ít vấn đề.

Không chờ đến khi Bộ trưởng Cao Đức Phát đăng đàn mà từ  trước đó, một vị đại biểu phía Nam đã gửi văn bản “truy” trách nhiệm khi từ kỳ họp thứ hai đến nay, nhiều lần Bộ trưởng đã xác nhận là sẽ phối hợp cùng bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Quyết định về “Chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản…” nhằm khắc phục những bất hợp lý trong quá trình thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng. Cử tri trông chờ, nhưng gần hai năm trôi qua, vẫn chưa có kết quả.

Cũng qua đường văn bản, một vị đại biểu đoàn Tây Ninh đã nhắc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lời hứa sẽ thông báo kết quả khi giải quyết xong vấn đề được nêu tại chất vấn từ kỳ họp thứ tư, liên quan đến xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

"Sáng nay tôi vẫn chưa nhận được hồi âm", vị đại biểu này chia sẻ với VnEconomy.

Bằng văn bản cũng là một kênh, song nhiều vị đại biểu gần như không bao giờ sử dụng, bởi thích đối thoại trực tiếp hơn.

Chỉ nhấn nút sau một vị đại biểu ở phiên chất vấn chiều nay, ông Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM đã chất vấn “tư lệnh” ngành nông nghiệp về giải pháp mới và đột phá để giúp nông dân thoát nghèo.

Sau khi nghe câu trả lời của Bộ trưởng Phát, ông Ngân lại đứng dậy: "Trong giải pháp của mình, tôi thấy Bộ trưởng còn hiền quá. Các vị bộ trưởng, thứ trưởng các ngành đang có khó khăn khác như xây dựng chẳng hạn họ có rất nhiều hội thảo hội nghị và đưa ra nhiều yêu cầu kiến nghị. Ngành nông nghiệp, nông dân vô cùng khó khăn nhưng tiếng nói của ngành còn quá nhẹ. Tôi rất mong Bộ trưởng mạnh mẽ hơn trong những kiến nghị, giải pháp của mình. Phải gấp rút hỗ trợ cho nông nghiệp và nông dân hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn bằng những gói hỗ trợ hết sức cụ thể".

Giải lao, đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ với báo chí rằng, nếu Bộ vẫn thực hiện những biện pháp như hiện giờ thì đến kỳ họp sau, chắc sẽ lại có chất vấn. Ông vẫn băn khoăn về điều ông cho rằng rất phi lý là tại sao ngành vật liệu xây dựng và nhà ở được vay vốn lãi suất 6%, còn nông nghiệp vẫn phải vay 10%, trong khi nông nghiệp là cứu cánh nền kinh tế.

“Bộ trưởng Phát hiền quá, ông đâu có la gì đâu, trong khi ngành xây dựng bất động sản thì họ la rất to”, ông Ngân nhận xét.

Lặng lẽ ra hành lang rót chén trà khi đã sắp hết 20 phút nghỉ,  Bộ trưởng Cao Đức Phát nhỏ nhẹ, đại biểu Ngân rất quan tâm nên mới góp ý như vậy, nhưng "chúng tôi cũng họp nhiều, hội thảo nhiều rồi, “kêu” nhiều rồi".

Đến đây có lẽ lại phải quay trở lại hai chữ hồi âm. Có đi có lại mới toại lòng nhau, câu nói trong dân gian với nghị trường không là ngoại lệ. Bởi đôi khi vấn đề đại biểu chất vấn có thể đã được thực hiện, nhưng hồi âm không đầy đủ thì vẫn lại là đang “mắc nợ”, không chỉ với đại biểu mà còn cả với cử tri.