21:37 13/06/2013

Nhật ký nghị trường: “Tín nhiệm cao” người điều hành chất vấn

Nguyên Thảo

Chủ tịch Quốc hội vẫn quyết đoán, mạch lạc nhưng đã “nghệ thuật” và dí dỏm hơn

<font face="Arial, Verdana" size="2">Chủ tịch Quốc hội&nbsp;Nguyễn Sinh Hùng.</font>
<font face="Arial, Verdana" size="2">Chủ tịch Quốc hội&nbsp;Nguyễn Sinh Hùng.</font>
Không ít điểm trừ cho cả bộ trưởng và đại biểu sau một ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 này. Nhưng riêng với người điều hành cả ba phiên đều được “tín nhiệm cao” theo cách nói vui của nhiều đại biểu.

Theo thông lệ, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp đều do chính Chủ tịch Quốc hội điều hành.

Mang tác phong quyết đoán từ chế độ làm việc thủ trưởng ở cơ quan hành pháp sang điều hành chất vấn ở kỳ họp đầu tiên của Quốc hội vào tháng 11/2011, ông Nguyễn Sinh Hùng từng nhận được cả lời khen lẫn lời “phê”, khi đôi lúc tỏ ra “cứng” quá về thời gian, nên tần suất ngắt lời đại biểu hơi nhiều.

Giờ thì theo nhận xét của nhiều vị đại biểu, Chủ tịch Quốc hội vẫn quyết đoán, mạch lạc nhưng đã “nghệ thuật” và dí dỏm hơn, trong vai trò dẫn dắt hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Điều này được thể hiện khá rõ trong thời gian Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đăng đàn. Lĩnh vực Bộ trưởng phụ trách thì rộng, các vị đại biểu đặt câu hỏi ở đủ mọi vấn đề từ đạo đức xã hội đến bảo tồn di sản rồi phát triển du lịch sang quốc hoa quốc phục và hòn đá lạ... Không ít lần Chủ tịch Quốc hội đã phải giục đi thẳng vào câu hỏi, không cần giải thích dài dòng.

Trí nhớ tốt nên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh có thể đưa thêm rất nhiều chi tiết và con số vào câu trả lời, song đôi khi điều đó lại làm ông "nhãng" phần quan trọng nhất của câu hỏi.

Không cần tinh ý cũng thấy ở ghế chủ tọa, không ít thời điểm Chủ tịch đã phải “chịu đựng” sự lan man của Bộ trưởng, nhưng ông cũng chỉ cười và linh hoạt ngắt lời, để dẫn Bộ trưởng về vấn đề mấu chốt trong câu hỏi.

Song, có lúc ông cũng phải than thở, “Bộ trưởng đi Lăng Cô hai lần rồi đấy (hai lần ông Hoàng Tuấn Anh kể chuyện về Lăng Cô khi trả lời đại biểu - PV), vào khách sạn mấy lần nên nói dài là phải”. Lúc này, các vị đại biểu chớp thời cơ để thư giãn với tiếng cười khó nén.

Tân Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, người được Chủ tịch Quốc hội trợ giúp đắc lực khi chất vấn Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh về lĩnh vực du lịch, nhận xét: vị chủ tọa nghị trường không chỉ bám sát mà còn hiểu cả cái hồn câu hỏi, từ đó diễn đạt chuẩn hơn để câu trả lời gần với mong muốn của đại biểu nhất.

Nhắc lại một ý trong phát biểu ngắn kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát của Chủ tịch Quốc hội, rằng “hôm nay chưa có vị đại biểu nào đặt vấn đề liên quan tới đánh bắt thủy hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ, gắn liền với chiến lược bảo vệ Tổ quốc chiến lược biển”, một vị đại biểu bình luận rằng Chủ tịch không chỉ yêu cầu cao với người trả lời chất vấn.

Tán thành với nhiều nhận xét là người điều hành “tóm” ý đại biểu rất chuẩn để “truy” không cho các bộ trưởng “câu giờ” hay “lạc đề”, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) chỉ kết luận ngắn gọn: “Tôi “tín nhiệm cao” Chủ tịch Quốc hội”.

Hôm nay (13/6), nhiều thành viên Chính phủ, kể cả người chỉ ở ghế “dự bị”, đã nhận được điểm cộng của đại biểu và báo chí.

Ấy là khi thủy điện, vốn đã “động đất” từ Sông Tranh 2 ở phiên chất vấn từ kỳ họp thứ 4, gần đây là Đồng Nai 6 và 6A nay được “đổ thêm dầu” bởi sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai).

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thẳng thắn: “Rất may là không dẫn đến chết người và cũng may là xảy ra ban ngày, không phải mùa lũ, tích đầy nước. Cách làm như thế là không thể chấp nhận được”.

Theo Phó thủ tướng thì sự cố vỡ đập xảy ra vào thời điểm không phải là mùa lũ, chứng tỏ thi công rất ẩu. Ông cho hay đã chỉ đạo phải kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng rất chủ động, khi rút ngay từ túi áo ra bản báo cáo nhanh về sự cố tại công trình thủy điện Ia Krel 2 để thông tin với báo chí.

Ông Dũng quả quyết, với tình trạng đập đã vỡ thì việc khắc phục không thể một lúc. Nhưng với sự cố gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân thì phải lập tức tập trung khắc phục triệt để.

Vẫn đề tài thủy điện, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nói, với hai dự án Đồng Nai 6 và 6A có trách nhiệm của Bộ Công Thương vì đây là quy hoạch của ngành điện.

Nhưng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, người mà kỳ họp nào cũng nhận được không ít chất vấn về thủy điện, dù hôm nay xuất hiện ở hành lang trong giờ giải lao song ông từ chối trả lời báo chí.

Một trong số các vị liên tục gửi chất vấn đến Bộ trưởng Hoàng về trách nhiệm liên quan đến quy hoạch thủy điện - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở - tỏ ra rất sốt ruột khi chứng kiến Bộ Công Thương cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cứ đùn đẩy trách nhiệm qua lại.

“Bộ Công Thương từ đầu kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 13 đến nay luôn luôn nói một câu chờ đánh giá tác động, hai năm rồi vẫn không thấy trách nhiệm ở đâu cả, tôi đã gửi chất vấn đến Thủ tướng rồi đấy”, ông Vở cho hay.

Nghị trường vẫn “nóng”, cả ở trong và ngoài hội trường, là do còn nhiều đại biểu vẫn đang được cử tri “tín nhiệm cao”.