07:36 15/04/2013

Nhen nhóm ý tưởng lập “phố Nhật Bản” ở Hạ Long

Anh Minh

Cùng với làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, lượng du khách Nhật Bản hiện đang không ngừng tăng lên

Cầu Chùa, cây cầu cổ trong khu đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cầu còn có tên gọi Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều, được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17.<br>
Cầu Chùa, cây cầu cổ trong khu đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cầu còn có tên gọi Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều, được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17.<br>
“Ông cha chúng tôi từng chọn Hội An và để lại những con phố Nhật Bản - di sản văn hóa thế giới - ở vùng biển Cửa Đại, còn chúng tôi ở thời đại mới này quyết định chọn Hạ Long để phát triển những mối quan hệ giao thương cả về kinh tế và văn hóa, xã hội”, ông Mitsugu Sato, Tổng thư ký Hiệp hội ICA- WA nói như vậy bên lề hội thảo hợp tác phát triển du lịch Quảng Ninh - Nhật Bản diễn ra chiều ngày 12/4 tại Quảng Ninh.

Đánh giá Hạ Long là một địa điểm du lịch cũng như đầu tư lý tưởng, ông Mitsugu Sato cho biết Hạ Long còn khá mới mẻ với người Nhật, nhưng có lợi thế vượt trội do có vị trí địa lý gần biển, được thiên nhiên ưu đãi.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư vào Quảng Ninh khá hấp dẫn. “Chúng tôi muốn cùng tỉnh Quảng Ninh xây dựng  một môi trường đầu tư hướng tới Nhật Bản, và tôi rất mong việc này sẽ thành công”, ông Mitsugu Sato nói.

Môi trường đầu tư hướng tới Nhật Bản, theo ông Mitsugu Sato, là chính quyền Quảng Ninh cần tạo ra môi trường sinh hoạt kinh doanh phù hợp nhất với người Nhật Bản, bao gồm cả những vấn đề như: xây dựng những con phố Nhật Bản, công viên, cây xanh, quán ăn, dịch vụ công cộng phù hợp với văn hóa và tập quán sinh hoạt của người Nhật Bản.

Cùng với làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, lượng du khách Nhật Bản hiện đang không ngừng tăng lên. Thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ninh cho thấy, nếu như năm 2007 chỉ có khoảng 2 vạn lượt khách Nhật Bản tới Quảng Ninh, thì năm 2012 con số này đã lên tới gần 5,8 vạn lượt khách.

Bên cạnh đó, ông Mitsugu Sato cho biết tại Nhật đang có xu hướng những chuyên gia đầu ngành sau khi nghỉ hưu mong muốn đi làm việc hỗ trợ, giúp đỡ các nước đang phát triển và Việt Nam là quốc gia được nhiều chuyên gia yêu thích và lựa chọn nhất.

Lần đầu tiên đến Việt Nam sau một quá trình hợp tác với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), ông Hamada- Kazuki, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản tỏ ra cực kỳ ấn tượng với ý tưởng mở “phố Nhật Bản” ở Quảng Ninh. “Tôi hy vọng chính quyền Quảng Ninh sẽ xây dựng một phố Nhật Bản tại Hạ Long. Tôi đánh giá cao chính quyền tỉnh Quảng Ninh, họ đã rất tích cực và đang có những bước đi rất đúng trong chiến lược thu hút đầu tư”, ông nói.

Là một thành viên của Ban thẩm định cấp ODA cho các quốc gia, ông Hamada - Kazuki cho biết trong thời gian tới ông sẽ dốc toàn tâm, toàn lực để thúc đẩy mối quan hệ, đầu tư, hợp tác giữa Quảng Ninh và Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực du lịch và giao lưu văn hóa.

“Theo thống kê của chúng tôi, hiện có khoảng gần 7.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang có mặt tại Việt Nam, nhưng sự hợp tác giữa hai nước vẫn chỉ mới dừng lại hợp tác về phần cứng thôi, đó là hợp tác về kinh tế, chúng ta phải hướng tới một thời đại giao lưu về phần mềm nữa, đó là việc thắt chặt và tăng cường giao lưu văn hóa. Nếu như người Việt Nam hiểu hơn về văn hóa Nhật Bản và người Nhật Bản hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, thì mối quan hệ hợp tác làm ăn giữa hai bên sẽ ngày càng hiệu quả và bền vững”, ông Hamada- Kazuki nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu bày tỏ mong muốn thông qua con đường văn hóa, nhân dân và các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ biết đến nhiều hơn đến tiềm năng, lợi thế của Quảng Ninh và đẩy mạnh đầu tư vào tỉnh.

Tỉnh dự kiến sẽ đưa sự kiện lễ hội hoa Anh Đào thành chương trình thường niên vào đầu tháng 4 hằng năm tại thành phố Hạ Long. Quảng Ninh cũng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ thành lập văn phòng đại diện du lịch tại Nhật Bản; cùng tăng cường phối hợp, hợp tác quảng bá xúc tiến du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch.