15:07 17/08/2011

Nhiệm kỳ Thủ tướng: Từ tư duy mới đến hành động

Anh Quân

Góc nhìn của TS. Nguyễn Đình Cung về quan điểm phát triển của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Ảnh: Anh Quân.
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Ảnh: Anh Quân.
Hôm 3/8 vừa qua, trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra như những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2015.

Trước đó, trong một bài viết, Thủ tướng cũng đã nêu rõ quan điểm và phương hướng hành động để thực hiện 3 khâu đột phá này.

Trao đổi với VnEconomy, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định nếu không thực hiện đúng như chiến lược 5 năm tới đề ra, Việt Nam có thể lỡ mất cơ hội ổn định dài hạn.

Thay đổi về chất

Với một nhiệm kỳ Chính phủ mới, theo ông quan điểm phát triển có gì mới so với trước đây?


Cái mới so với trước đây, theo tôi, nhiệm vụ trung tâm trong nhiệm kỳ này là tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu.

Nói như thế, hàm ý về bản chất là thay đổi động lực tăng trưởng. Trước đây là nhờ mở rộng về số lượng lao động, tăng số lượng đầu tư, tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nay sẽ phải dựa vào nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ở đây là một bước ngoặt thay đổi về chất, từ thay đổi cơ chế phân bố sử dụng nguồn lực và đồng thời với đó nâng cao chất lượng các nguồn lực, nhất là nguồn lực lao động. Trước đây tăng trưởng dựa vào nguồn lực lao động thì nay tăng trưởng dựa vào tăng chất lượng lao động. Thay đổi mô hình tăng trưởng thì phải là từ thay đổi nội hàm đó.

Còn về ba khâu đột phá, trước đây chúng ta cũng từng đề ra những khâu đột phá nhưng nội dung khác với 3 khâu đột phá lần này trên một số điểm. Cụ thể là định hướng điều hành để thực hiện các khâu đột phá lần này khá rõ nét. Đó là điểm tôi thừa nhận có những cái mới so với trước.

Theo ông, điểm nào là đáng chú ý trong quan điểm phát triển của Thủ tướng được nêu trong bài viết và phát biểu nhậm chức vừa rồi?

Tôi thấy có hai khâu trong đó rất đáng chú ý. Đầu tiên là hoàn thiện thể chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, mà trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính, thứ hai là phát triển cơ sở hạ tầng.

Hiện nay mà nói, cơ bản đã có kinh tế thị trường rồi nên trọng tâm là phải nâng về chất, đó là tạo lập môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng. Và chỉ có khi nào tạo lập được thị trường cạnh tranh thực sự bình đẳng thì lúc đó mới có cạnh tranh lành mạnh, không những giải phóng được sức lao động mà buộc doanh nghiệp và các nhà đầu tư phải nâng được về chất của mình thì mới cạnh tranh được. Tức là mới nâng cao được hiệu quả, nâng cao được năng suất, chứ không phải cứ đi tìm kiếm dư địa về địa tô...

Lần này phải triệt tiêu được những thứ xin cho, những thứ ưu đãi mà tạo ra những vị thế cho người này và người kia, đem đến cơ hội kinh doanh đặc biệt cho người này người kia và họ cứ đi chạy chọt cơ hội kinh doanh mãi như thế, không quan tâm đến nâng cao hiệu quả, chất lượng kinh doanh, không phải cạnh tranh gì cả.

Cạnh tranh là con đường sống sót, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp thì lúc đó mới nâng cao được hiệu quả, nâng cao được năng lực cạnh tranh. Thì đó là những cái nội hàm phải nhấn mạnh ở chỗ đó.

Thì lần này đó là cái mới, cũng là thể chế thị trường, cũng là nhiệm vụ trong tâm nhưng trước đây cơ hội kinh doanh và dư địa phát triển theo chiều rộng còn nhiều, chưa được khai thác nên mở ra để thúc đẩy khai thác nguồn lực. Do nguồn lực của ta đã tới hạn nên phải chuyển sang sử dụng phân bố, sử dụng hiệu quả nguồn lực, và lúc đó cạnh tranh là động lực, phải thúc đẩy để nâng cao được hiệu quả, năng suất.

Phải hiểu được thế để các bộ, cơ quan ban ngành khác ban hành luật, thực thi hay thi hành chính sách phải rõ được nội hàm của ý đằng sau nó là như thế, với khâu đột phá quan trọng nhất.

Thực hiện khâu này, nói thế thôi, nhưng nó liên quan rất nhiều thứ, không chỉ là cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp nhà nước mà cải cách cả cách thức điều hành quản lý nhà nước, để cho thị trường vận hành một cách lành mạnh và đầy đủ. Thì đấy là cái điểm nhấn.

Tức là vai trò nhà nước cũng thay đổi, mà theo quan điểm của Thủ tướng, là từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển?

Đúng vậy. Cách thức quản lý nhà nước, vai trò nhà nước theo đó sẽ thay đổi rất nhiều, không chỉ là đổi mới cơ chế, không chỉ là cải cách hành chính mà nó còn có cải cách doanh nghiệp nhà nước, vai trò chính phủ, cách thức điều hành, quản lý nhà nước với thị trường, với các hoạt động kinh tế…

Thực ra mà nói, nhà nước có điều hành, dù là có kiến tạo gì thì cũng phải điều hành để thực hiện ý tưởng phát triển. Về mặt khoa học, nhà nước phát triển là nhà nước tạo ra cơ hội.

Có hai cái, một là tạo cơ hội để người dân, doanh nghiệp tận dụng phát triển, nhưng đồng thời nhà nước cũng đi đầu trong những ngành nghề, lĩnh vực mà ở đó các khu vực khác không làm. Nhà nước tạo ra tiền đề, tạo ra cơ hội.

Ví dụ chúng ta làm ngành công nghệ cao chẳng hạn, thì nhà nước có nguồn lực, có thể huy động nhân lực, có thể tập trung nguồn lực rất lớn. Nhưng nhà nước làm tốt rồi thì chuyển cho khu vực kinh tế tư nhân làm, thì đó là vai trò kiến tạo.

Tức là ở một số lĩnh vực nhà nước phải có vai trò dẫn dắt đi đầu, hoặc là anh đi hỗ trợ, vừa kéo vừa đẩy. Anh kéo là kéo mũi nhọn, đẩy là đẩy đại trà, như hình kim tự tháp, vừa là giá đỡ vững chắc ở dưới, đồng thời kéo ở bên trên.

Đầu tư sẽ phải xác định ưu tiên

Đấy là khâu đột phá thứ nhất. Còn về hạ tầng thì có điểm gì mới?

Cái mới ở đây chủ yếu là định hướng thực hiện rõ ràng hơn, và trọng tâm là vấn đề hiệu quả. Ở đây có sự lựa chọn, ưu tiên, có sự đánh đổi trên cơ sở hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất, đó là tiêu chí lựa chọn.

Thủ tướng cho rằng, để thực hiện tốt đột phá này, phải thay đổi cách tiếp cận từ khâu quy hoạch, lựa chọn các ưu tiên đến phương thức huy động nguồn lực và thủ tục thực hiện dự án.

Cần xây dựng quy hoạch theo sự phân bố lực lượng sản xuất và bố trí dân cư gắn với quá trình đô thị hoá trên tầm quốc gia. Ở đây có nghĩa là quy hoạch hạ tầng trước hết phải gắn với khu vực tập trung sản xuất, gắn với động lực tăng trưởng.

Trong khi nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng rất lớn, trong điều kiện nguồn lực có hạn, quyết định của chúng ta không phải dựa vào lòng mong muốn mà phải lựa chọn cái tốt nhất để giải tỏa nhanh các điểm nghẽn vận tải, đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất, trong thời gian ngắn nhất.

Đấy là định hướng cho sự lựa chọn, và rất rõ ràng là định hướng lựa chọn có ưu tiên, có trọng tâm trọng điểm và tiêu chí là hiệu quả thực tiễn cao nhất, trong một thời hạn ngắn nhất có thể.

Từ định hướng như vậy thì có 4 nội dung về đột phá hạ tầng rất là rõ. Nội dung thứ nhất là tập trung phát triển đường bộ Bắc - Nam, rất rõ. Thứ hai là tập trung nâng cấp đồng bộ hóa hạ tầng các đô thị, gắn với bố trí cơ cấu lại sản xuất, bố trí lại dân cư.

Thứ ba là phát triển nhanh hệ thống nguồn và chuyền tải điện, đi đôi với sử dụng tiết kiệm năng lượng. Nói rõ như thế. Thứ tư là từng bước phát triển hiện đại hóa và động bộ hệ thống thủy lợi với phương châm phát triển có trọng tâm trọng điểm và sự kết nối hệ thống đồng bộ này gắn với trung tâm phát triển các vùng.

Về cảng biển, Thủ tướng cũng nói rất rõ là chỉ có 3 cảng, một là Hải Phòng, hai là Tp.HCM - Bà Rịa Vũng Tàu; ba là miền Trung chưa xác định rõ. Vấn đề quan trọng là ưu tiên đầu tư 5 năm tới là như thế để tạo kết nối giao thông nội địa, giữa thị trường ta với thế giới bên ngoài.

Theo tôi, đây là một nội dung rất rõ. Cho nên những "ông" khác đừng có xin cảng nữa. Năm năm tới là như thế, rất rõ về mặt ưu tiên.

Đó là những điểm tôi cho là mới. Vấn đề định hướng như thế nhưng để thực hiện thì hệ thống từ trung ương đến địa phương phải thống nhất được nội hàm tư tưởng ở trong đó.

Ông có cho rằng trong 3 khâu đột phá Thủ tướng đã nêu, liên quan đến giáo dục và khoa học công nghệ có vẻ chưa cụ thể bằng các khâu đột phá về đầu tư mà ông vừa nói?

Giáo dục đào tạo, xét cho cùng là công cụ. Năng lực nguồn nhân lực mình cần là gì thì phụ thuộc vào việc mình đang cần phát triển ngành nghề gì. Anh không thể nói phát triển giáo dục đào tạo chung chung được.

Đào tạo nghề mà nghề đến chiều sâu thì phải gắn với một ngành nghề. Vậy thì trước hết ngành nào nhà nước muốn phát triển thì tập trung vào đó. Chỉ có những mũi nhọn nhà nước chọn thì cần tập trung, ví dủ như chọn ngành nào thì đầu tư nhiều hơn. Với các ngành khác, nhà nước không thể đi hơn doanh nghiệp trong việc này được.

Cân đối vĩ mô sẽ tốt hơn

Ông có thấy quan điểm về bội chi ngân sách có thay đổi gì qua chiến lược này?

Thủ tướng có nói rất rõ rằng trong lúc nguồn lực có hạn thì phải lựa chọn cái tốt nhất, thực hiện trong thời gian nhanh nhất. Đấy là nguyên tắc chỉ đạo của việc lựa chọn. Ở đây Thủ tướng nói 3 cảng biển, nếu nguồn lực có hạn thì có thể là chọn 2.

Theo tôi, nếu nguồn lực có hạn thì chọn Hải Phòng và Vũng Tàu, bởi vì đó là vùng gắn với tập trung lực lượng sản xuất, vì lực lượng sản xuất của ta hiện nay đang nằm ở hai đầu. Quan điểm về đồng bộ cũng nằm ở chỗ đó.

Có thể hiểu là chủ trương trong nhiệm kỳ này là đầu tư thắt chặt không, với cái nghĩa lâu nay vẫn nói là điều chuyển vốn chứ không cắt giảm?

Đấy là một trong những yêu cầu của tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Tái cơ cấu kinh tế thì cái đầu tiên là tái cơ cấu đầu tư.

Ông có nhìn thấy sự ổn định vĩ mô như bội chi ngân sách, lạm phát, nhập siêu, hay rủi ro hệ thống ngân hàng thông qua chiến lược phát triển lần này?

Có được hiệu quả đầu tư thì đạt được tăng trưởng nhờ vào hiệu quả thì áp lực bỏ thêm tiền, áp lực gia tăng khối lượng đầu tư sẽ giảm. Nếu có phải bỏ thêm tiền tiền thì tiền đó là có hiệu quả thì áp lực lên lạm phát cả cầu kéo cả chi phí đẩy đều giảm. Nếu làm được như thế này thì làm giảm được áp lực lạm phát.

Liên quan đến nhập siêu cũng kéo theo. Đầu tư ít đi thì nhập siêu ít đi, đầu tư hiệu quả hơn thì chắc chắn nhập siêu sẽ giảm đi. Vì trong kinh tế học, nhập siêu là do chênh lệch đầu tư và tiết kiệm của nền kinh tế. Nếu đầu tư tăng hiệu quả thì tăng trưởng đạt tốt, cân đối vĩ mô khác cũng sẽ tốt lên.

Rủi ro ngân hàng cũng hoàn toàn sẽ kèm theo sử dụng hiệu quả hơn đầu tư. Khi nào mình có hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao hơn thì tất cả sẽ mạnh lên. Tôi cho rằng mọi rủi ro vĩ mô hiện nay sẽ đều có thay đổi, liên quan đến quá trình hiệu quả hóa đầu tư…

Không làm được thì lỡ mất cơ hội

Gần đây, cũng có một số ý kiến cho rằng 3 khâu đột phá đó khi triển khai trên thực tế sẽ rất khó khăn. Quan điểm của ông?

Không bao giờ dễ, đã đột phá là tiên phong đi đầu, là mũi nhọn thì làm sao mà dễ được. Nếu Thủ tướng cương quyết, tôi tin rằng sẽ thành công. Ít nhất là giải quyết được những vấn đề hiện nay, gọi là những điểm nghẽn hạ tầng hiện nay của nền kinh tế.

Đấy là cái tôi nhìn thấy nó như thế. Đừng dàn trải, đừng có 30 cảng mà chỉ 3 cảng thôi, cùng với hệ thống đường bộ phát triển có sự kết nối thế này, điện cũng làm thế, về nông nghiệp nhấn mạnh thủy lợi… thế thì tuyệt vời.

Nếu định hướng rất rõ ràng như thế mà thực hiện được tạo ra được, thực sự là giải quyết được những vấn đề của nền kinh tế, cùng với tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng nữa thì đó là những điều cơ bản của nền kinh tế thị trường. Đó là căn bản giải quyết được rất nhiều thứ.

Những vấn đề ông đang nói không phải là lần đầu tiên xuất hiện, nhưng triển khai trên thực tế, nhiều khi không được như kỳ vọng. Vì sao thế?

Trên thực tế, có thể cách thức tổ chức thực hiện, con người thực hiện chưa thống nhất từ trên xuống dưới, chưa nhất quán... Ít nhất lần này, chỉ đạo và định hướng thế này là tương đối rõ, có thể thực hiện được rồi.

Bản thân người đứng đầu Chính phủ cương quyết thực hiện; chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhất quán. Chẳng hạn quy định 3 cảng thì chỉ có 3 cảng thôi, những anh khác “out”, không phải ưu tiên… Quy hoạch có thể rất dài hạn, 20-30 năm, nhưng trong 5 năm tới sẽ chỉ thực hiện 3 anh này thôi.

Chúng ta phải chỉ đạo cương quyết. Bộ máy nhà nước tương đối thống nhất, ngoài ra còn có hệ thống Đảng. Để chỉ đạo thực hiện những định hướng này mà cương quyết thì tôi đảm bảo là làm được.

Nhưng gần đây, có một hiện tượng phổ biến là khi Trung ương chỉ đạo xuống địa phương, ví dụ về cắt giảm đầu tư chẳng hạn, thì nhiều nơi đều đòi phải có hướng dẫn cụ thể, dù đã hướng dẫn khá chi tiết vài lần…

Nếu địa phương nào chưa hiểu và cần chi tiết hơn, thì theo tôi là địa phương đó cũng chưa cần phải đầu tư. Khi nào hiểu quan điểm phát triển, chủ trương đầu tư thì mới làm.

Nếu định hướng này được chỉ đạo cương quyết, không nể nang, không có những ưu ái, ban phát nữa, cương quyết theo định hướng này từ Thủ tướng đến các bộ trưởng, nhất là các bộ liên quan như giao thông vận tải chẳng hạn thì làm được.

Nếu không làm được nữa thì hỏng, lỡ mất cơ hội. Với một suy nghĩ, định hướng rõ ràng về tiêu chí, nội dung như lần này, theo tôi chỉ đạo thống nhất chỉ là việc đơn giản. Vấn đề là nằm ở quyết tâm…

Điều đó có gặp khó khăn trong khi chúng ta đã phân cấp rất rộng cho địa phương về đầu tư. Nếu địa phương họ vẫn tiếp tục mở cảng như lâu nay thì sao?

Cho làm 3 cảng, nói như thế thì phải chỉ đạo dứt khoát. Và rõ ràng những nhiệm vụ hạ tầng như đề cập là của Trung ương, các địa phương không thể có ngân sách lớn. Chỉ có Hà Nội và Tp.HCM, nhưng hai khu vực này đều nằm trong vùng trọng tâm trọng điểm.

Trung ương và địa phương cần phải phối hợp với nhau thực hiện đúng định hướng này. Không lẽ trong một nhà nước thống nhất này, lãnh đạo từ trên xuống chặt chẽ như thế, định hướng đã lựa chọn đúng vào lợi ích quốc gia thế này mà còn đi làm khác?

Cá nhân ông đã bao giờ gặp mặt Thủ tướng để trao đổi với những vấn đề này?

Tôi cũng đã có cơ hội để trực tiếp trao đổi với Thủ tướng. Tất nhiên là khi đó không chỉ có tôi mà nhiều người khác nữa. Ông có nói mọi ý kiến đều có điểm hợp lý và sẽ tiếp thu, nghiên cứu.