02:57 29/05/2010

Nhiều phụ huynh thừa nhận đã chi tiền "chạy" trường

Từ Nguyên

Thanh tra Chính phủ công bố một số kết quả khảo sát về thực trạng tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục

Tham nhũng trong giáo dục có giá trị không phải là quá lớn, song vì nó liên quan đến nhiều người, nhiều đối tượng, tầng lớn trong xã hội nên hệ lụy mà nó mang lại là không hề nhỏ - Ảnh minh họa.
Tham nhũng trong giáo dục có giá trị không phải là quá lớn, song vì nó liên quan đến nhiều người, nhiều đối tượng, tầng lớn trong xã hội nên hệ lụy mà nó mang lại là không hề nhỏ - Ảnh minh họa.
Thanh tra Chính phủ công bố một số kết quả khảo sát về thực trạng tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.

Tại buổi đối thoại phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục, do Thanh tra Chính phủ tổ chức sáng 28/5, đại diện cơ quan này cho biết đã phát hiện khá nhiều các dạng sai phạm trong các lĩnh vực dạy thêm, học thêm, trong công tác tuyển sinh và đào tạo, trong chuyển trường chuyển lớp, trong lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng trường học, trang thiết bị, xuất bản sách giáo khoa, và kể cả trong công tác tổ chức cán bộ.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ cho thấy, có đến 10% số phụ huynh được hỏi thừa nhận đã chi tiền để nhờ vả xin cho con vào trường, có đến 38% phụ huynh có con học trái tuyến thừa nhận việc này, thậm chí có 5% phụ huynh có con học đúng tuyến cũng thừa nhận đã từng chi tiền đề chạy trường, chạy lớp..

Hiện mỗi tháng, Thanh tra Chính phủ nhận khoảng 200 trăm đơn tố cáo tham nhũng, trong đó không ít đơn thuộc lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là do tâm lý bị trù dập nên số người dám đứng lên tố cao tham nhũng trong giáo dục vẫn còn khá khiêm tốn.

“Mong muốn của tôi là những người tố cáo tham nhũng phải xác định được hậu quả của hành vi tham nhũng là rất nặng nề, ảnh hưởng đến sự sống còn của cả dân tộc nên ở chừng mực nào đấy phải chấp nhận hy sinh những lợi ích cá nhân để đứng lên đấu tranh, loại bỏ tham nhũng”, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nói.

Về phía các nhà tài trợ cho Việt Nam, đại diện một số tổ chức quốc tế, đại sứ quán đều có chung quan điểm, tham nhũng trong giáo dục có giá trị không phải là quá lớn, song vì nó liên quan đến nhiều người, nhiều đối tượng, tầng lớn trong xã hội nên hệ lụy mà nó mang lại là không hề nhỏ. Nếu không có biện pháp quyết liệt, cùng với những nỗ lực từ Chính phủ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, điều mà các vị đại diện này băn khoăn là dường như công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong mấy năm qua vẫn “nặng” về tính hình thức.

“Đành rằng, đấu tranh phòng chống tham nhũng thì đến nay cả thế giới vẫn đang gặp khó khăn, nên Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, điều mà các nhà tài trợ muốn thấy là sự thể hiện quan điểm cũng như khẳng định rõ ràng rằng tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã giảm hay vẫn đang phát triển. Vai trò của công dân dường như vẫn còn mờ nhạt trong cuộc đấu tranh này”, vị đại diện cho Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có hơn 40.000 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học do cơ quan này quản lý, với hơn triệu cán bộ, giáo viên và 23 triệu học sinh, sinh viên. Bộ nhìn nhận, với một số lượng cơ sở và cán bộ, giáo viên lớn như vậy, cộng với tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, nên những vi phạm về tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục là khó tránh khỏi.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, từ năm 2006 đến nay, cơ quan này đã phát hiện và xử lý 23 trường hợp sai phạm, tham nhũng ở cả ba cấp, trong đó có 8 vụ việc thuộc các cơ sở giáo dục do Bộ quản lý, 2 cơ sở thuộc Bộ và ngành khác, còn lại 13 vụ thuộc quản lý của địa phương. Phần lớn các vụ sai phạm, tham nhũng trên có liên quan đến công tác quản lý tài chính, thu và nhận tiền trái quy định, tổ chức tuyển sinh, cấp bằng không đúng quy định, chạy điểm...

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý, các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục tuy không phổ biến, thiệt hại về kinh tế không nhiều, song đã gây nên những hậu quả xấu về nhiều mặt, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, của giáo viên, cán bộ quản lý, từ đó làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với một số cơ sở giáo dục. Đặc biệt, những hành vi như chạy điểm, mua bằng, mua chứng chỉ... đã làm phương hại đến hệ thống giáo dục quốc dân.