17:54 23/12/2013

Nhiều sắc hồng trong báo cáo kinh tế năm 2013

Ngô Trang

Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tăng thấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định là những nét chính

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp giữa Chính phủ với các địa phương trong hai ngày 23 - 24/12.<br>
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp giữa Chính phủ với các địa phương trong hai ngày 23 - 24/12.<br>
Bản báo cáo dài 49 trang về tình hình thực hiện các nghị quyết 01, 02/CP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các điạ phương sáng 23/12 có xu hướng thiên về “báo cáo” các thành tích mà Chính phủ, các bộ ngành đã làm được trong suốt năm 2013.

Một kết luận khá quen được dẫn ngay đầu báo cáo là “lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tăng thấp; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường trong nước”.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, có được kết quả trên là nhờ triển khai tích cực, đồng bộ, kịp thời các giải pháp trong điều hành của cơ quan quản lý.

So với tháng 12/2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2013 tăng 5,5%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 3 năm trước. CPI tháng 12/2013 ước tăng khoảng dưới 6,5% so với tháng 12/2012, đạt mục tiêu đề ra (kế hoạch đề ra là khoảng 8%), thấp hơn mức tăng giá cuối năm 2012 (6,81%).

Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân nêu trên, theo ông Vinh, tổng cầu kinh tế yếu và phục hồi chậm cũng là một trong những yếu tố góp phần làm chỉ số giá tăng thấp.

Một loạt các kết quả khác cũng được Bộ trưởng Vinh dẫn ra như: thị trường trong nước năm 2013 cơ bản ổn định; cung - cầu hàng hóa được bảo đảm; mạng lưới lưu thông, phân phối hàng hóa tiếp tục phát triển, gắn kết mối quan hệ giữa nhà sản xuất với tổ chức phân phối và người tiêu dùng….

Về chính sách tiền tệ, một kết quả “không thể tốt hơn” khi  Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng đã triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa, bảo đảm vừa góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chính nhờ lãi suất đã được điều hành theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và biến động của lạm phát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất VND đã giảm khoảng 2-5% so với đầu năm, trong đó, lãi suất huy động giảm 2-3%/năm, lãi suất cho vay giảm 3-5%/năm và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Tăng trưởng tín dụng, tỷ giá, kiểm soát mua bán ngoại tệ... đều cho những kết quả khả quan.

Tính đến 25/11/2013, dư nợ tín dụng ước tăng 7,54% so với tháng 12/2012 (VND tăng 12,88%; ngoại tệ giảm 16,74%); huy động vốn tăng 15,16% (VND tăng 14,88%; ngoại tệ tăng 16,86%); tổng phương tiện thanh toán tăng 13,58%.

Về chính sách tài khóa, nhờ có những biện pháp mạnh và rắn, nên mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng vẫn bảo đảm chi đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi về quốc phòng an ninh, sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội cũng như các khoản chi đột xuất như ứng cứu thiên tai, lũ lụt...

Tính chung 11 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách đạt 85,6% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012 ; tổng chi ước đạt 88,6% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012. Bội chi ngân sách cả năm 2013 khoảng 195,5 nghìn tỷ đồng, bằng 5,3% GDP (kế hoạch là 162 nghìn tỷ đồng, bằng 4,8% GDP). Nợ công, dư nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn an toàn.

Cùng với đó là xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và cao hơn nhiều chỉ tiêu đề ra, cơ bản cân bằng xuất nhập khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại, tăng dự trữ ngoại tệ nhà nước.

Về kết quả thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, báo cáo của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP tăng qua từng quý, tốc độ tăng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra nhưng cao hơn năm trước. GDP cả năm ước tăng khoảng 5,4%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 5,5% nhưng cao hơn năm 2012 (5,25%).

Trong phần cuối của nội dung về kinh tế, báo cáo cũng có chỉ ra một hạn chế, đó là tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao. Tính đến cuối tháng 10/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 146,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,73% tổng dư nợ và tăng 28,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 23,8% so với cuối năm 2012. Quá trình cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém gặp nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện chậm.

“Nợ xấu chậm được xử lý cùng với tổng cầu nền kinh tế còn yếu cũng là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm đạt thấp so với mục tiêu đề ra”, báo cáo nêu rõ.
 
Dự kiến Chính phủ sẽ dành phần lớn thời gian còn lại của hai ngày 23 -24/12 để lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương thảo luận về tình hình - kinh tế xã hội trong năm 2013, trong đó theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các ý kiến thảo luận phải tập trung vào những mặt được và yếu kém của kinh tế - xã hội cũng như trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ.