11:10 26/12/2011

Nhìn lại lạm phát 2011: Hai đột biến và sự “đi hoang” của dòng tiền

Hưng Nguyễn - Anh Quân

Dấu hiệu của tính quy luật chỉ còn rất mờ nhạt, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2011 nổi trội ở hai đột biến

Diễn biến CPI các tháng năm 2010 và 2011. Lạm phát cả năm chốt ở mức tăng 18,13% ghi nhận sự “đi hoang” của dòng tiền, khi không tạo được đột phá về tăng trưởng nhưng lại thúc ép lạm phát đạt các kỷ lục mới.
Diễn biến CPI các tháng năm 2010 và 2011. Lạm phát cả năm chốt ở mức tăng 18,13% ghi nhận sự “đi hoang” của dòng tiền, khi không tạo được đột phá về tăng trưởng nhưng lại thúc ép lạm phát đạt các kỷ lục mới.
Dấu hiệu của tính quy luật chỉ còn rất mờ nhạt, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2011 nổi trội ở hai đột biến, đến từ các mức tăng kỷ lục mới trong tháng 4 và tháng 7.

Trên nền cơ bản được tạo lập bởi 12 tháng cùng tăng, đường biểu diễn chỉ số giá như hình cờ đuôi nheo, tiệm cận dần tới mốc 0% về cuối. Mức chênh lệch giữa tháng tăng cao nhất với tháng tăng thấp nhất tới gần 3 điểm phần trăm.

Lạm phát cả năm chốt ở mức tăng 18,13% ghi nhận sự “đi hoang” của dòng tiền, khi không tạo được đột phá về tăng trưởng nhưng lại thúc ép lạm phát đạt các kỷ lục mới. Chia bình quân, CPI mỗi tháng trong năm nay tương ứng với mức tăng khoảng 1,4%, chỉ còn thấp hơn chút ít so với 2008.

Khi vài ngày cuối cùng đang khép lại dần, những “tàn dư” từ lạm phát như lãi suất còn cao, tỷ giá chưa thật ổn định, hay chính sách vĩ mô sẽ siết thêm năm nữa… khiến yếu tố lòng tin chưa dễ tạo dựng. Tồn tại trong một năm tăng trưởng hạn chế là hai trạng thái cảm nhận: lo âu tăng dần đầu năm và bất an cuối năm gắn với lạm phát đang “ngóc đầu” dậy.

Đột biến thứ nhất: Tăng sau Tết

Liên tiếp tăng tốc và đạt đỉnh vào cuối năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2011 bất ngờ giảm tốc nhẹ xuống mức tăng 1,74% so với tháng trước. Nhiều nhận định khi đó đã lạc quan cho rằng, xu hướng này là tích cực, có thể là một mở đầu thuận lợi cho một năm mà Chính phủ đặt quyết tâm kiềm chế lạm phát ngay từ đầu, với chỉ tiêu “khắc nghiệt” chỉ có 7%.

Thị trường chứng khoán đón thông tin tích cực, VN-Index tăng điểm liên tục và đạt đỉnh của năm vào ngày 9/2, ở mốc hơn 522 điểm vào lúc đóng cửa, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 5/2010.

Nhưng xem xét tình hình khi đó, ngày 24/1, VnEconomy lưu ý rằng, hiện tượng này chỉ xảy ra ở các năm 1997, 2000, 2008 và 2010, là các năm có điều chỉnh chính sách lớn hoặc tác động từ khủng hoảng kinh tế từ bên ngoài.

Diễn biến CPI trong các tháng sau đó cho thấy nhận định trên là đúng. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) trong một báo cáo phục vụ họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 1/2011 “thừa nhận”, việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 phá vỡ xu hướng tăng tốc chỉ là điều chỉnh trong ngắn hạn.

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1, tiền thưởng Tết về túi người tiêu dùng, lượng kiều hối nhiều hơn, hay tổng tiền gửi giảm trên dưới 3% trong hai tháng trước Tết… Bộ Tài chính khi đó nhìn nhận, sức mua của các tầng lớp dân cư trong dịp Tết Tân Mão tăng khoảng 20% - 25% so với cùng kỳ năm trước.

CPI tháng 2 ngay lập tức đảo chiều tăng 2,09% so với tháng trước đó. Căn cứ vào mức tăng so với cuối năm trước đã ở mức gần 4%, tức là hết quá nửa room của chỉ tiêu lạm phát cả năm, lo lắng lại thường trực. Thị trường chứng khoán đón tin sớm từ giữa tháng 2 đã “đổ đèo” và lập đáy đầu tiên trong năm ở mức VN-Index khoảng 452 điểm vào ngày 3/3.

Cũng cần nhắc đến một chuỗi sự kiện đáng nhớ gắn với giai đoạn lạm phát biến động này, liên quan đến thay đổi chính sách tiền tệ và tài khóa.

Ngày 11/2, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng mạnh tỷ giá USD/VND tới 9,3%. Nỗ lực giữ ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vào trước đó đã khiến dự trữ ngoại hối tại thời điểm quý 1/2011 chỉ còn lại tương đương 3,5 tuần nhập khẩu. Tuy nhiên, căng thẳng ngoại tệ không thuyên giảm, chênh lệch tỷ giá chính thức và chợ đến lên đến 10% là nguyên nhân chính dẫn tới việc điều chỉnh tỷ giá nói trên.

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi đó nói trên VnEconomy: “Tăng như thế thì sẽ kích thích lạm phát và đẩy giá lên. Và khi mà lạm phát tăng lên thì lãi suất một là không giảm được, hai là cũng phải tăng lên”.

Cuộc khảo sát lần thứ 5 về chỉ số tin cậy thương mại của Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC) được tiến hành từ 17/2 đến 30/3/2011 cũng phản ánh góc nhìn của doanh nghiệp về vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp cho rằng tỉ giá hối đoái không có lợi cho kinh doanh. Đồng thời, khi lạm phát tiếp tục tăng cao trong nửa đầu năm 2011, lãi suất tăng cao trở thành mối quan ngại lớn thứ hai của các doanh nghiệp.

Thêm vào diễn biến đáng quan ngại này, ngày 24/2, tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng gần 20%, điện tăng 15,28%... Ông Nguyễn Sinh Hùng, lúc đó là Phó thủ tướng Chính phủ đã dùng cụm từ “tình hình cấp bách” để truyền đạt đi các biện pháp vĩ mô nhằm ổn định lại lạm phát.

Nghị quyết 11 ra đời cùng ngay với hàng loạt chỉ tiêu được điều chỉnh lớn: với tiền tệ, tăng trưởng tín dụng rút xuống mức dưới 20% thay vì 23%, tổng phương tiện thanh toán cũng áp chỉ tiêu mới ở mức khoảng 15-16%. Với chính sách tài khóa, bội chi so với GDP từ mức 5,3% giảm về mục tiêu mới dưới 5%, chi tiêu thường xuyên giảm 10% trong 9 tháng cuối năm. Chính phủ cũng đặt mục tiêu kéo thấp tổng đầu tư xã hội xuống còn khoảng 38-39% GDP…

Quả thực, sau đó tình hình cấp bách đúng như lời ông Hùng. Lạm phát liên tiếp bị đẩy lên, CPI theo tháng tăng 2,17% vào tháng 3. Chưa kịp hết ngỡ ngàng về sự gia tốc sau Tết Nguyên đán, CPI lập tức đạt đỉnh vào tháng 4 ở mức 3,32%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Đến lúc này, CPI so với cuối năm trước đã tăng 9,64%, vượt xa mục tiêu 7%, hiện thực hóa nỗi lo lạm phát.

Trong một báo cáo phát đi ngày 26/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận: “Lạm phát tăng cao gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tâm lý lo lắng trong nhân dân…”.

Dù giảm đôi chút ở tháng sau đó, nhưng con số CPI tháng 5 tăng 2,21% thực sự làm phát hoảng dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Bởi lẽ, dù là hạ nhiệt nhưng mức độ tăng rất cao, so với một tháng trước là đỉnh lạm phát, quan điểm lạc quan nhất cũng không thể trụ vững.

Phản ánh trên thị trường chứng khoán, Vn-Index hạ thẳng cánh một đường gọn. Từ ngày 13/5 đến 25/5, chỉ số giá chứng khoán mất gần 100 điểm, xuống đáy 386 điểm lúc đóng cửa. Nhiều dự báo khi đó cho rằng, lạm phát sẽ chỉ đạt đỉnh vào quý 3/2011, thực tế sau này cho thấy đúng như dự báo.

Trong giai đoạn này, quyết tâm kiềm chế lạm phát lớn dần theo các con số về chính sách tài khóa, tiền tệ báo cáo lên Chính phủ. Tại cuộc họp Chính phủ tháng 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số vốn đầu tư dự kiến cắt giảm trong năm nay là 79.262 tỷ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011.

Trong khi đó, thông tin về các chỉ tiêu của chính sách tiền tệ cũng được Ngân hàng Nhà nước cập nhật, tổng phương tiện thanh toán tính đến 20/5 mới là 1,59% so với cuối năm 2010, rất thấp so với nhiều năm trước; tín dụng tăng tương ứng 6,16%.

Phản ứng lại trước các điều chỉnh, CPI tháng 6 hạ nhiệt, xuống mức tăng 1,09%, khép lại nửa đầu năm đầy sóng gió.

Đột biến thứ hai: Điểm nút cho khởi đầu ổn định?

Ở giai đoạn “gập ghềnh” nhất, nhiều nghiên cứu cho thấy kinh tế Việt Nam đang ở vào tình thế khó khăn hơn trước rất nhiều. “Nền kinh tế trước ngã ba đường”, vào tháng 5/2011, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố một báo cáo có tiêu đề như vậy.

Nhìn nhận lại các năm qua, nhóm nghiên cứu cho rằng kinh tế Việt Nam đang khó khăn hơn 2008 với thâm hụt ngân sách sâu khiến chính sách tài khóa kém linh hoạt; lãi suất đã quá cao không thể trở thành công cụ điều tiết hữu hiệu; dự trữ ngoại hối mỏng khó can thiệp; tâm lý thị trường không ổn định…

Cũng khi ấy, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đang đối mặt 4 vấn đề: rủi ro thiếu thanh khoản; rủi ro sai lệch cơ cấu đồng tiền; rủi ro nợ xấu; và rủi ro tổng dư nợ với thị trường bất động sản.

Nhiều lần, vị chuyên gia từ CIEM cũng phân tích rằng, trong các kiểu khủng hoảng như tăng trưởng nóng kèm lạm phát cao; giảm GDP và lạm phát thấp; với tăng trưởng thấp lạm phát cao thì kiểu sau cùng là đối phó khó khăn nhất.

Đó lại đúng là tình trạng năm nay của Việt Nam. Đáng buồn hơn, khi mà chính sách tiền tệ căng hết mức nhưng vướng các rủi ro nói trên, chính sách tài khóa còn nhiều khoảng trống để địa phương lách chủ trương chung.

Nhưng đó là việc sau này nhìn lại. Tại thời điểm giữa năm, sức căng của nền kinh tế bắt đầu bộc lộ. Tiếp bước trong quý 3, CPI so với cùng kỳ bò dần tới đỉnh 23,02% vào tháng 8. Nhưng ngược lại, sản xuất ngày càng khó khăn.

“So với 2008, năm nay độ khó khăn còn gấp nhiều lần”, cuối tháng 6/2011, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu nói trên VnEconomy. Nhưng, bất động sản không chỉ là ngành duy nhất. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP được Tổng cục Thống kê công bố hàng tháng cho thấy, trong các tháng 6,7 và 9, chỉ số này khá đuối.

Trong dịp sơ kết 6 tháng, Bộ Tài chính nhìn nhận, do khó khăn sản xuất đã làm giảm nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách nhà nước. Còn thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, tại một cuộc họp vào tháng 10 cho biết, trong số khoảng 57 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, có tới 47 nghìn được xác định đã ngừng hoạt động.

Cho nên, sang nửa thứ hai của năm, nền kinh tế ở vào thời khắc “nao núng” với con đường đang chọn: chấp nhận giảm tăng trưởng để kiềm chế lạm phát. Ở các cuộc họp thường kỳ Chính phủ thời gian này, một số điều chỉnh đã xuất hiện, đáng chú ý là việc như mở ra chủ trương xem xét điều tiết cơ cấu tín dụng cho bất động sản, hay nới thêm một lần nữa mục tiêu kiểm soát lạm phát lên 17%, rồi 18%...

Kể từ đầu tháng 7, bắt đầu có sự điều chỉnh trên thị trường liên ngân hàng. Từ trạng thái liên tục hút ròng trước đó, tháng đầu quý 2 trên OMO đã có những tuần cân bằng giữa bơm và hút, đến tháng 9 bắt đầu có bơm ròng.

Tổng phương tiện thanh toán cũng tăng tốc hơn trước, trong khi tín dụng duy trì mức tăng trưởng thấp. Cho đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước ước tính, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 10%, tín dụng tăng khoảng 12%.

Khi mà sản xuất tồn kho lớn, các kênh đầu cơ không thể hút nổi dòng tiền đang quay lưng trước các cơ hội đầu tư đầy rủi ro, việc đổ thêm tiền dường như đã chuyển ngược lên thị trường tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Ngay lập tức, lạm phát “đáp trả”. Đầu tháng 7, giá thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và rau xanh tại Hà Nội tăng đột biến, có nhiều loại gấp rưỡi, gấp đôi chỉ trong ít ngày. Sau đó, CPI tháng 7 cũng rẽ ngoặt “nấc” lên mức tăng mới 1,17%.

Tuy nhiên, cũng từ thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng bắt đầu đi xuống thấy rõ. Đến cuối năm, CPI hiện thực “giấc mơ” đẩy lạm phát trở lại với mức tăng theo tháng của các giai đoạn ổn định trước đây, với 3 tháng quý 4 tăng dưới 0,6%.

Hỗ trợ xu hướng giá này, tổng mức bán lẻ đã loại trừ yếu tố giá trong năm nay tăng khoảng 4-5%, mức khá thấp so với các năm trước đây, có giai đoạn ở mức 13-15%. Nhưng những cú sốc đến từ tăng học phí trong tháng 9, hay vàng tháng 10 khiến đôi lúc khoảng lặng của lạm phát không tạo được ổn định cho tâm lý thị trường.

Sự lạc quan của nhà đầu tư dường như chỉ được thổi lên trong giai đoạn đầu tiên khi CPI phá vỡ mức cản tăng 1% ở tháng 8. Vn-Index vọt lên trong khoảng thời gian tính CPI tháng 9, tăng từ 384-467 điểm, còn lại đa phần là giảm điểm.

Ở giai đoạn này, tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế, yếu tố quan trọng để cân bằng tiền - hàng, vẫn chưa phục hồi đáng kể. Tháng 7/2011, Bộ Công Thương phát đi lưu ý rằng, một số ngành hàng công nghiệp chế biến “cần thận trọng hơn khi lập kế hoạch sản xuất”. Lý do được Bộ này đưa ra là do tồn kho tăng cao. Thực tế là đến cuối năm, chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến (tại thời điểm 1/12) so với cùng kỳ đã tăng lên mức 23%.

Tại thời điểm này nhìn lại, tăng trưởng GDP theo giá thực tế ước tính khoảng 24-25%, cho thấy tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng có hỗ trợ giảm tổng cầu. Nhưng chi ngân sách so với năm trước, nếu không tính thu chuyển nguồn như quy định cho năm nay, tăng tới 27,5% so với thực hiện năm 2010, không cho thấy nỗ lực tiết giảm chi tiêu công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khi trả lời báo chí gần đây có giải thích đại ý là do các địa phương thu cao được để lại ngân sách địa phương, tự tăng chi nên con số chi ngân sách năm nay vượt dự toán của năm trước.

Còn trong một hội nghị về đầu tư gần đây, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh hỏi ý kiến lãnh đạo các tỉnh trong về chủ trương cắt giảm đầu tư, không tỉnh nào phản đối. Nhưng phía dưới hội trường, đại diệt một số tỉnh “nói nhỏ” rằng cái chính là “mình thực hiện thế nào”.

Chưa thể nhất quán trong hệ thống chính trị về nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, thị trường chưa thể an tâm với con số CPI tháng 12 tăng 0,53%. Cũng đã là rất thấp rồi đấy, nhưng lại đang “ngóc đầu” dậy. Giá điện vừa tăng 5%, tính toán sơ bộ cho thấy tác động tăng CPI 0,3%, làm giảm GDP 0,04% và điều chỉnh này sẽ dồn cả vào năm tới.

Nhiều quan điểm cho rằng mục tiêu đưa lạm phát về một con số trong năm 2012 sẽ khó mà hiện thực. Dù là kết quả có thế nào chăng nữa, nhưng những lo ngại như thế đang khiến lạm phát kỳ vọng còn cao. Cho nên, ngoài việc cân bằng lại cung cầu, Chính phủ còn thêm một thách thức phải ổn định lòng tin nếu muốn hạ lãi suất, muốn đồng thuận trong thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế...