16:15 15/08/2011

Nhóm lợi ích và tân Bộ trưởng

Lê Châu

Tại nghị trường Quốc hội tháng 11/2010, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã khiến cả hội trường “nín thở”

87,4% đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13 đã bỏ phiếu tín nhiệm cho chức vụ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ông Bùi Quang Vinh - Ảnh: TP.
87,4% đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13 đã bỏ phiếu tín nhiệm cho chức vụ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ông Bùi Quang Vinh - Ảnh: TP.
Tại nghị trường Quốc hội tháng 11/2010, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã khiến cả hội trường “nín thở”, khi ông nói về chuyện mình và một bộ trưởng khác đã bị biến thành... “đười ươi giữ ống” ra sao!

Khi đó, kể lại quá trình xây dựng Luật Doanh nghiệp Nhà nước vào năm 2003, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho hay, ông cảm thấy “bất lực” về luật này khi số đại biểu Quốc hội là doanh nghiệp nhà nước rất nhiều nên đã hướng được cả một dự án luật “thuận” về phía hướng có lợi nhiều hơn cho họ. “Ngay khi Luật Doanh nghiệp Nhà nước được thông qua, anh Lê Huy Ngọ, khi đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bảo tôi là: “Anh Phúc ơi, luật này sẽ biến tất cả chúng mình thành “đười ươi giữ ống” cả thôi!”.

Với Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay đã hết hiệu lực), thì gần như khối doanh nghiệp nhà nước “miễn dịch” với mọi sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 8 đoàn đi giám sát đầu tư ở các địa phương và các doanh nghiệp nhà nước thì 7 đoàn về địa phương thực thi nhiệm vụ rất tốt, chỉ có một đoàn vào giám sát tại các doanh nghiệp nhà nước thì không được... tiếp”, ông Phúc nói.

42 năm công tác trong ngành kế hoạch và đầu tư, trong đó có 10 năm làm Thứ trưởng và gần 10 năm làm Bộ trưởng, biết là phải thông qua một luật bị nhóm lợi ích tác động, nhưng vẫn không thể không thông qua, cảm giác bất lực này của nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thực sự là thách thức lớn đối với người kế nhiệm của ông, tân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Nhất là trong bối cảnh, ông Vinh gần như là một người rất “mới” của ngành, khi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới hơn một năm, ông lên làm Bộ trưởng. 35 năm trước đó, công việc của ông Vinh gắn bó với miền núi Lào Cai.

Trao đổi với báo giới khi tiếp quản cương vị mới, tân Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ sự nhiệt huyết của mình trong việc siết lại đầu tư công, trong đó, phải làm rõ hơn về sự phân cấp trong đầu tư, để quy được trách nhiệm về ai khi đầu tư dàn trải và kém hiệu quả.

“Đã đến thời điểm nguồn lực còn có hạn, chúng ta phải tiết giảm việc mở quá rộng phạm vi đầu tư, để hướng tới mục tiêu quan trọng hơn cả là đầu tư tập trung hơn và có hiệu quả hơn”, ông nói. Và đầy lạc quan tin tưởng: “Bản thân lãnh đạo các địa phương cũng rất hiểu vấn đề này. Tất nhiên, họ đều mong muốn cho địa phương mình phát triển, nhưng nếu nhìn trong tổng thể của sự phát triển đồng bộ, tôi nghĩ họ sẽ có cân nhắc dự án nào nên, dự án nào không để chung lòng chung sức cùng Chính phủ. Về phần Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách tham mưu trưởng trong vấn đề này thì chúng tôi sẽ phải thuyết phục, phân tích có căn cứ khoa học để các địa phương thấy rằng làm như thế nào để vừa mang lại lợi ích chung vừa mang lại lợi ích cho địa phương”.

Tuy nhiên, ngay tại nghị trường mà ông Vinh tham dự với tư cách đại biểu Quốc hội, đã có nhiều đại biểu đều lên tiếng đề nghị cho địa phương không phải cắt giảm dự án.

Một đại biểu của tỉnh Hà Giang nói thẳng: “Nên chăng thời gian còn lại của năm 2011, Quốc hội, Chính phủ không nên đặt vấn đề với việc cắt giảm, giãn, hoãn đầu tư công đối với những tỉnh, huyện khó khăn trong diện 30a của Chính phủ. Bởi số đầu điểm cộng lại của các dự án cắt giảm và giãn, hoãn của những tỉnh này có vẻ nhiều về mặt lượng, song thực tế số tuyệt đối về chất chưa bằng một dự án vừa phải ở đâu đó. Ví dụ, Hà Giang đình hoãn 173 công trình đã bố trí kế hoạch năm 2011 để khởi công mới với số vốn cắt giảm là 54.890 triệu đồng so với cả nước thì quá nhỏ, chỉ bằng 0,068% tổng số vốn cắt giảm, song đối với địa phương đây là nguồn vốn rất cần thiết!”.

Trước những ý kiến như vậỵ, tân Bộ trưởng không đăng ký tham gia phát biểu gì, có thể, vì nghị trường không còn thời gian để cho ông phát biểu, hoặc cũng vì ông vừa mới nhận nhiệm vụ nên còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng lúc trải lòng với báo chí, ông nói: “Tôi đã có nhiều năm công tác ở địa phương, nên hiểu được địa phương cần gì”.

Quả rất khó cho tân Bộ trưởng, khi ông hiểu được địa phương cần gì, nhưng có thể sẽ không đáp ứng được cho họ, chẳng hạn như trong chuyện cắt giảm, sắp xếp lại đầu tư công - một công việc mà ông luôn khẳng định: “Đó chỉ là việc đã đến lúc cần phải làm, chứ không phải vì chúng tôi cố ôm nhiều việc để giữ quyền lực!”.

87,4% đại biểu Quốc hội khóa 13 đã bỏ phiếu tín nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ông Bùi Quang Vinh. Sự nhiệt huyết mà tân Bộ trưởng thể hiện ngay từ những ngày đầu tiên nhận chức khi nói về việc cắt giảm đầu tư công, có thể xem là một sự thể hiện đầy dũng cảm, dù mới ở mức ý tưởng: đứng lên trên lợi ích riêng của từng địa phương, hay là từng nhóm, để hướng tới lợi ích chung của quốc gia. Cho dù, đường dài còn xa ngái.