10:30 03/05/2013

Những điểm nghẽn trong nền kinh tế

Lê Trà

Ý kiến của các chuyên gia kinh tế về những thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm nay

TSKH. Nguyễn Thị Hiền, PGS.TS. Ngô Trí Long, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, TS.Nguyễn Đức Độ, PGS.TS.Nguyễn Thường Lạng.
TSKH. Nguyễn Thị Hiền, PGS.TS. Ngô Trí Long, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, TS.Nguyễn Đức Độ, PGS.TS.Nguyễn Thường Lạng.
Kinh tế Việt Nam năm 2012 đã được kết quả nhất định trong việc kiểm soát lạm phát, cân bằng cán cân thương mại và ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, nhiều rủi ro tiềm ẩn đang gây thách thức cho nền kinh tế trong năm 2013. 4 tháng đầu năm đã khép lại song các dấu hiệu kinh tế chưa cho thấy một bước đột phá nào, nội lực nền kinh tế vẫn chưa hồi phục.

Những khó khăn của kinh tế Việt Nam là do tích tụ của nhiều năm trước. Các yếu tố tăng trưởng hiện tại và trong dài hạn cho thấy tăng trưởng của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần do năng suất lao động thấp chưa được cải thiện.

Thêm vào đó, thâm hụt ngân sách ở mức cao, lạm phát được kiềm chế nhưng chưa thực sự vững chắc. Cộng đồng doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do sức mua thấp. Do đó, năm nay được đánh giá là một năm khó khăn và việc đạt được các mục tiêu đã đề ra sẽ là không dễ dàng.

Xin trân trọng giới thiệu ý kiến của các chuyên gia kinh tế về những thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Định hướng thị trường đang bị thách thức

(TSKH. Nguyễn Thị Hiền)

Những điểm nghẽn trong nền kinh tế 1“Từ đầu tháng 4, chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới tăng mạnh, từ mức trên dưới 4 triệu đồng/lượng lên 5 triệu đồng/lượng rồi lên mức 6 triệu đồng/lượng. Đến ngày 20/4, mức chênh lệch này vọt lên 6,5 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch hấp dẫn này đã kích thích giới kinh doanh gom USD để nhập lậu vàng khiến giá USD tăng mạnh.

Tại buổi ký kết hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng, chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng với kỳ vọng kéo giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới diễn ra ngày 26/2, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty SJC - từng tuyên bố: “Một tuần nữa, giá vàng trong nước sẽ sát giá vàng thế giới”.

Xem ra mục tiêu bình ổn giá vàng mà Ngân hàng Nhà nước gửi gắm Công ty SJC ngày càng khó đạt được. Gần chục phiên đấu giá vàng miếng cũng chỉ đủ cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng cải thiện trạng thái vàng chứ chưa có tác dụng đưa thị trường vàng về thế cân bằng.

Vì sao nên cơ sự như vậy? Qua kinh nghiệm nhiều năm tham gia chống lạm phát, đổi mới quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường, tôi cho rằng thị trường vàng trở nên khó kiểm soát là hệ quả của sự can thiệp hành chính quá mức.

Những phê phán của công luận về tình trạng độc quyền trong nhập khẩu vàng nguyên liệu, chế tác và đấu giá vàng miếng cũng như kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trả lại thị trường cho vàng là có cơ sở và cần được lắng nghe.

Giá vàng, giá ngoại tệ và giá hàng hóa có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và có ảnh hưởng quyết định đến mức lạm phát. Mức tăng giá vàng kéo theo tăng giá USD trong mấy ngày qua là tín hiệu đáng lo ngại.

Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có lúc tuyên bố không bình ổn giá vàng, nhưng với đặc điểm thị trường tiền tệ Việt Nam nói chung, thị trường vàng Việt Nam nói riêng, sự ổn định của tỷ giá, giá hàng hóa, dịch vụ và giá vàng vẫn cần được duy trì như một tiền đề cho ổn định kinh tế vĩ mô năm 2013.

Khác với mặt hàng vàng vốn đã xác lập được thị trường từ sau khi kinh tế Việt Nam cơ bản chuyển sang kinh tế thị trường, thị trường xăng dầu hiện vẫn do nhà nước quản lý.

Mặc dù từ năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các ngành liên quan kiên quyết chuyển việc kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, đã gần 3 năm trôi qua, mà cuộc “chuyển” này dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Lúng túng trong điều hành giá xăng dầu từ đầu năm 2013 đến nay không thể lý giải được.

Chừng nào cơ quan quản lý chưa thấy sự cần thiết chuyển nhanh việc quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường như chỉ đạo của Thủ tướng và mong mỏi của người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu thì hệ quả của cơ chế quan liêu, hành chính trong điều tiết giá xăng dầu sẽ còn kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp”.

Tăng trưởng 2013 chỉ bằng hoặc thấp hơn 2012

(TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện Kinh tế tài chính)

Những điểm nghẽn trong nền kinh tế 2“Với các diễn biến của kinh tế những tháng đầu năm, có thể dự báo tăng trưởng kinh tế chỉ đạt mức tương đương năm 2012 hoặc thấp hơn. Những khó khăn về tồn kho sản phẩm, nợ đọng tăng cao, khó khăn của thị trường bất động sản chưa thể giải quyết... sẽ là những cản trở lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2013.

Tồn kho bất động sản là một trong những trở ngại lớn nhất hạn chế tăng trưởng và phát triển kinh tế trong năm 2013 và cả một số năm sau nữa. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề tồn kho bất động sản sẽ không thể nhanh chóng và dễ dàng so với các sản phẩm tiêu dùng khác.

Xuất nhập khẩu không có biến động nhiều và tương đương mức của năm 2012. CPI có khả năng sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2012. Thu ngân sách nhà nước, trong trường hợp khả quan nhất chỉ có thể đạt mức dự toán.

Với những phân tích và dự báo trên đây từ tình hình kinh tế quý 1/2013, các giải pháp về tài khoá và tiền tệ sẽ thực hiện nên theo xu hướng linh hoạt và từng bước nới lỏng là phù hợp với khả năng về CPI tăng thấp và tăng trưởng kinh tế có xu hướng chững lại.

Một số giải pháp quan trọng cần thực hiện từng bước nới lỏng và tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cũng rất cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư, hạn chế thất thoát, nâng cao hiệu quả.

Đồng thời, cần thực hiện các chương trình miễn giảm thuế để khuyến khích phát triển sản xuất, đặc biệt là thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân) đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có thể vẫn tiếp tục chương trình giãn, kéo dài thời thời hạn nộp thuế để giảm bớt những khó khăn về vốn cho doanh nghiệp đối với những trường hợp có khả năng phát triển sản xuất kinh doanh nhưng khó khăn về vốn do nợ đọng.

Về chính sách tiền tệ, nên tiếp tục hạ thấp lãi suất huy động và lãi suất cho vay để các doanh nghiệp có thể vay vốn tiến hành sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng, giảm hàng tồn kho. Thực hiện các giải pháp tích cực để xử lý nợ đọng trong hệ thống ngân hàng thương mại và các tâp đoàn lớn thông qua tái cấu trúc”.

Niềm tin vào sự phục hồi kinh tế rất thấp


(PGS.TS. Ngô Trí Long)

Những điểm nghẽn trong nền kinh tế 3“Niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế đang bị suy giảm, thể hiện ở việc nhà đầu tư không đưa vốn, người tiêu dùng cũng không sẵn sàng chi tiêu, nên tổng cầu và tổng cung năm 2013 khó cải thiện. Do vậy, nền kinh tế năm 2013 khó khôi phục nhanh, khó đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Năm 2013 là năm tiếp tục niềm tin của thị trường bị giảm sút nghiêm trọng, muốn xúc tiến thương mại đầu tư trước hết các chính sách phải lấy lại niềm tin cho thị trường. Bởi 2013 là năm tích tụ tất cả những khó khăn, sụt giảm kinh tế kéo dài từ 2008 để lại.

Với thị trường bất động sản, khủng hoảng niềm tin còn đáng sợ hơn rất nhiều khó khăn khác mà họ đang phải đối mặt, và cho rằng làm thế nào đưa người mua quay lại thị trường đòi hỏi không chỉ ở nỗ lực của doanh nghiệp địa ốc mà còn cả từ sự can thiệp của Nhà nước. Do vậy, cần tạo dựng niềm tin nền kinh tế nói chung và đặc biệt là niềm tin của thị trường bất động sản để phá băng thị trường địa ốc.

Đồng thời nguồn lực doanh nghiệp có hạn, sức mua thấp, điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp bị thu hẹp đang là một nút thắt của nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp năm 2012 phá sản, doanh nghiệp còn lại hoạt động chỉ 30-40% công suất vì lượng tồn kho nhiều, sức mua thấp.

Lực lượng doanh nghiệp bị suy giảm nhiều, từ năm 2008 lạm phát cao, lãi suất cao, giá đầu vào tăng lên trong khi sức mua giảm sút. Trong tình hình khó khăn này có những doanh nghiệp bỏ cuộc, có những doanh nghiệp chống đỡ được bằng cách tái cấu trúc và vẫn tồn tại. Quý 1/2013 số doanh nghiệp phá sản bằng số doanh nghiệp mới thành lập.

Nguyên nhân là do môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn, cùng với nó doanh nghiệp đã lệ thuộc quá nhiều vào tín dụng cho nên khi tín dụng bị siết chặt, tổng mức tăng tín dụng chỉ còn trên 8,91% doanh nghiệp đã gặp khó khăn lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với vấn đề lãi suất.

Cứ nói lãi suất sẽ giảm nhưng thực tế vẫn là 14-15% chứ không phải lãi suất thấp như Ngân hàng Nhà nước đã ấn định. Điều này cũng là dễ hiểu vì vốn mà doanh nghiệp cho vay chính là vốn họ đã huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng hấp thụ vốn.

Theo dõi diễn biến thị trường từ những tháng cuối năm 2012 và quý 1/2013 cho thấy sức tiêu thụ tăng rất ít, chủ yếu là nhờ vào các chương trình khuyến mại giảm giá sâu. Theo khảo sát tình hình mua sắm sức mua bình thường đã sụt giảm rất mạnh, mức tăng vào dịp Tết và sau Tết khá thấp so với thời điểm này năm ngoái.

Khách chủ yếu tập trung vào những ngày cuối tuần, còn bình thường khá thưa thớt. Đáng chú ý là ở một số siêu thị hiện sức mua không tăng mà còn giảm, kể cả đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu”.

Nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát

(TS.Nguyễn Đức Độ)


Những điểm nghẽn trong nền kinh tế 4“Xu hướng lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2013 được khẳng định trong mô hình tự hồi quy (Autoregression) cho thấy, sức mua đang có xu hướng bị giảm sút nghiêm trọng, bất chấp cung tiền tăng và lãi suất có xu hướng giảm trong thời gian qua.

Điều này ngụ ý rằng, nợ xấu là một trong những vật cản lớn khiến cho chính sách tiền tệ truyền thống – bơm tiền qua hệ thống ngân hàng – trở nên kém hiệu quả và việc xử lý nợ xấu là vấn đề hết sức cấp thiết. Ít nhất cũng là điều kiện cần để khơi thông các dòng tín dụng, điều kiện đủ là các doanh nghiệp và người dân phải sẵn sàng vay.

Với sự suy giảm của lạm phát trong các tháng tới, lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm theo. Tuy nhiên, chừng nào vấn đề nợ xấu chưa được giải quyết, tác động của việc giảm lãi suất tới tổng cầu sẽ không mạnh, mặc dù lãi suất giảm sẽ làm cho gánh nặng nợ nần của các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản giảm bớt.

Như vậy, nếu chúng ta muốn chính sách tiền tệ đạt được hiệu quả cao hơn trong bối cảnh nợ xấu vẫn chưa được xử lý, tiền cần phải được bơm trực tiếp vào nền kinh tế mà không thông qua hệ thống ngân hàng. Nói cách khác, chính sách tiền tệ phải được thực hiện theo kiểu của chính sách tài khóa.

Xu hướng giảm mạnh của lạm phát cho thấy, trong bối cảnh người dân vẫn đang thắt chặt chi tiêu và tăng tiết kiệm, lòng tin kinh doanh bị sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp hạn chế đầu tư do nợ nần cao và không bán được hàng như hiện nay, triển vọng kinh tế thế giới còn chưa thực sự sáng sủa, người duy nhất có thể hỗ trợ tổng cầu là Ngân hàng Nhà nước.

Bởi vì, dư địa của chính sách tài khóa đã không còn nhiều do nợ công đã ở mức cao và thu ngân sách nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Nói cách khác, chỉ khi Ngân hàng Nhà nước bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế thì tổng cầu mới được cải thiện nhanh chóng.

Đã đến lúc Việt Nam cần nghĩ đến nguy cơ giảm phát và một gói nới lỏng định lượng cho nền kinh tế - trợ giúp cho người thu nhập thấp, người mua nhà để ở. Việc quá lo ngại lạm phát trong giai đoạn kinh tế suy giảm cũng có thể để lại những hậu quả nặng nề không kém so với việc coi thường lạm phát trong bối cảnh đang tăng trưởng nóng”.

Nhất thiết phải tái cấu trúc doanh nghiệp

(PGS.TS.Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế quốc dân)

Những điểm nghẽn trong nền kinh tế 5“Trong năm 2013, sự ổn định và tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khả năng phục hồi và tái cấu trúc doanh nghiệp mà rộng hơn là bảo đảm dòng di chuyển vốn, nhân lực, công nghệ cũng như sự vận hành ổn định toàn bộ thị trường để gia tăng giá trị mới.

Vấn đề đặt ra là cần có định hướng cơ bản để huy động hiệu quả nguồn lực, đẩy nhanh quá trình phục hồi và tái cấu trúc doanh nghiệp để vừa vượt qua khó khăn vừa đạt mục tiêu bao trùm của cả giai đoạn - đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Phục hồi và tái cấu trúc doanh nghiệp là giải pháp phù hợp nhất để đưa doanh nghiệp vượt qua tình trạng khó khăn, giảm thiểu phá sản, đóng cửa, thu hẹp sản xuất hàng loạt do tác động khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu cũng như các giải pháp cấp bách về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Phục hồi doanh nghiệp được xem xét ở hai góc độ.

Thứ nhất, từ góc độ từng doanh nghiệp, phục hồi là quá trình chuyển hoá trạng thái từ trì trệ, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh trở lại quy mô bình thường và ổn định như trước suy giảm. Những doanh nghiệp bị phá sản hoàn toàn hoặc đóng cửa thậm chí bị “xoá sổ” không có khả năng phục hồi.

Thứ hai, từ góc độ cả khu vực doanh nghiệp nghĩa là tất cả doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề, quy mô và thành phần, phục hồi là quá trình cả khu vực hoạt động bình thường trở lại về số lượng và hiệu quả cho dù xảy ra tình trạng phá sản, đóng cửa, thua lỗ, thu hẹp quy mô hoặc trì trệ của một số doanh nghiệp. Phục hồi còn thể hiện ở sự xuất hiện của các doanh nghiệp mới để bảo đảm tính nguyên vẹn của số lượng doanh nghiệp như trước hoặc gia tăng số lượng.

Việc phục hồi doanh nghiệp, do đó, chịu tác động của cả các yếu tố nội tại doanh nghiệp cũng như tác động của môi trường kinh doanh mà trực tiếp là sự hỗ trợ của Chính phủ như là sự thể hiện việc phát huy vai trò Chính phủ để giảm thiểu những tác động tiêu cực của thị trường.

Tái cấu trúc là quá trình điều chỉnh chiến lược, chính sách, bộ máy và nguồn lực để thích nghi với điều kiện phát triển mới như mở rộng hay thu hẹp quy mô, thay đổi cơ cấu sở hữu, mặt hàng, tinh giản bộ máy... Tái cấu trúc là cách thức phù hợp nhất để gia tăng hiệu quả doanh nghiệp, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh... cũng như tăng khả năng “kháng cự” để vượt qua giai đoạn “tiêu điều”.

Việc xác định đúng định hướng cơ bản trong chính sách phục hồi và tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam năm 2013 là hoàn toàn cần thiết. Phục hồi và tái cấu trúc doanh nghiệp tạo nền tảng mới thúc đẩy chuyển đổi triệt để mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ chiều rộng sang chiều sâu đối với doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Thực hiện quyết liệt và đồng bộ quá trình phục hồi và tái cấu trúc dựa trên sự kết hợp hữu cơ giữa sự chủ động và phát huy tối đa tác động của nội lực doanh nghiệp với sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ.

Triệt để theo dõi, phân tích tình hình, nhận dạng và dự báo cơ hội xuất hiện để kịp thời khai thác đồng thời đánh giá đúng tính phức tạp của thách thức nhằm có giải pháp thích nghi và vượt qua. Kết hợp đồng bộ liên kết chuỗi nội địa với hội nhập quốc tế chủ động, tích cực để thu hút triệt để nguồn lực và khai thác tác động áp lực bên trong và bên ngoài vào phục hồi và tái cấu trúc.

Lấy mức độ cải thiện hiệu quả kinh tế - xã hội doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng phục hồi và tái cấu trúc doanh nghiệp và là căn cứ đánh giá sự thành công của chính sách và biện pháp điều tiết của Chính phủ và chính quyền địa phương”.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)