16:09 06/02/2017

Nợ đóng bảo hiểm cho người lao động gần 10.000 tỷ đồng

Bạch Dương

Lớn nhất là nợ đóng bảo hiểm xã hội với khoảng 7.061 tỷ đồng, ngoài ra là nợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện

Người lao động bị nợ đóng bảo hiểm - Ảnh minh hoạ.
Người lao động bị nợ đóng bảo hiểm - Ảnh minh hoạ.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, công tác thu hồi nợ đóng bảo hiểm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam còn chưa tốt, số nợ phải thu năm 2015 tăng cao hơn nhiều so với năm 2014 cả về tỷ lệ và số tiền nợ.

Tổng số tiền nợ đóng các quỹ bảo hiểm đến 31/12/2015 là 9.920 tỷ đồng, chiếm 4,88% trên tổng số phải thu năm 2015, tăng 5,5% so với số tiền nợ đóng bảo hiểm năm 2014. Trong đó chủ yếu là nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với 7.061 tỷ đồng, chiếm 71,4% tổng nợ đóng.

Ngoài ra số nợ lại cũng lên tới 1.428 tỷ đồng, trong đó nợ lãi bảo hiểm xã hội chiếm tỷ lệ cao nhất.

Nếu phân loại theo thời gian, trong số 4.225 tỷ đồng nợ trên 12 tháng có 1.410 tỷ đồng là của các đơn vị phá sản giải thể.

Tuy nhiên, với các khoản nợ của các đơn vị phá sản, giải thể thì Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện lại chưa có quy định cụ thể về việc xử lý đối với các khoản chậm đóng của doanh nghiệp.

Tình trạng nợ đọng, chậm đóng các quỹ bảo hiểm xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành phố. Trong số các doanh nghiệp nợ bảo hiểm chủ yếu là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nợ lớn nhất với 5.160 tỷ đồng, chiếm 52% dư nợ. Doanh nghiệp Nhà nước chỉ nợ khoảng 964 tỷ đồng. Doanh nghiệp FDI nợ 1.202 tỷ đồng…

Một số địa phương có số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện cao là Hà Nội (2.170 tỷ đồng); Tp.HCM (1.945 tỷ đồng), Bình Dương (423 tỷ đồng), An Giang (227 tỷ đồng), Đồng Nai (289,7 tỷ đồng)…

Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân dẫn đến nợ đóng bảo hiểm lớn là do tình trạng ngân sách các tỉnh, thành phố chậm đóng bảo hiểm.

Chẳng hạn, ngân sách các địa phương hiện nợ đóng bảo hiểm y tế lên tới 1.945 tỷ đồng, trong đó Hà Nội, Tp.HCM, Nghệ An, An Giang…có số nợ lớn.

Tình hình nợ đóng bảo hiểm tự nguyện cũng nợ tới 52 tỷ đồng. Nhiều người sử dụng lao động cố tình không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động hoặc chỉ đóng cho một số người trong bộ khung quản lý để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn, hoặc lạm dụng tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp nên cố tình nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp tự giải thể phá sản, ngừng sản xuất kinh doanh hoặc có chủ bỏ trốn không có khả năng thu hồi là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ đóng bảo hiểm.

Trong khi đó, cho đến năm 2015, cơ quan bảo hiểm xã hội chưa có thẩm quyền để xử phạt các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội mà sau khi phát hiện chỉ dừng lại ở việc làm văn bản đề nghị các sở, ngành xử lý nên hiệu quả không cao.

Tại một số địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An có tình trạng các sở ban ngành chưa quan tâm đến việc chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, còn đứng ngoài cuộc, xem đó là trách nhiệm riêng của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, số nợ đóng bảo hiểm năm 2015 gia tăng còn do ngân sách trung ương còn nợ đóng, hỗ trợ đóng với số tiền 941 tỷ đồng.

Về tình hình khởi kiện, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, năm 2015, đã có 3.874 đơn vị bị khởi kiện, 2.052 hồ sơ đã được tòa án xét xử tương ứng 1.334,5 tỷ đồng, tổng số tiền thu hồi sau khi khởi kiện là 818 tỷ đồng.
 
Địa phương khởi kiện nhiều nhất là Tp.HCM đã khởi kiện 1.905 doanh nghiệp, Hà Nội khởi kiện 402 doanh nghiệp, Bình Dương khởi kiện 247 doanh nghiệp.

Trong khi đó, một số địa phương có số nợ bảo hiểm xã hội lớn nhưng chưa khởi kiện doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội Bắc Giang với 163,6 tỷ đồng, bảo hiểm xã hội Yên Bái với 88 tỷ đồng.