10:10 14/09/2011

“Nông dân đang có tâm tư, nguyện vọng gì?”

Thúy Hằng

Câu hỏi này được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hôm 13/9

Nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến nguyện vọng của nhân dân đã được Hội Nông dân báo cáo với Tổng bí thư.
Nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến nguyện vọng của nhân dân đã được Hội Nông dân báo cáo với Tổng bí thư.
Câu hỏi này được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hôm 13/9.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của Hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị các đại biểu làm rõ thêm nhiều vấn đề. Trong đó có chất lượng, tình hình công ăn việc làm, đời sống vật chất của nông dân; nhận thức, giác ngộ chính trị, ý thức làm chủ của nông dân ra sao, hiện nay nông dân đang có tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi gì đối với Đảng, Nhà nước?.

Theo báo cáo về tình hình nông dân và hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, nông dân hiện nay vẫn đa số là những hộ sản xuất quy mô nhỏ, có tới 36% số hộ có dưới 0,2 ha đất canh tác. Thu nhập bình quân cư dân nông thôn chỉ bằng 76,6% bình quân chung cả nước. Hầu hết số hộ nghèo và cận nghèo là nông dân.

Về tâm trạng của nông dân, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường đã báo cáo với Tổng bí thư những vấn đề khiến nông dân băn khoăn, lo lắng.

Đó là sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế, lạm phát quá cao, giá cả liên tục tăng. Trong khi đó, nông dân khó tiếp cận với chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Giá các loại vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu liên tục tăng, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản chưa được quan tâm đúng mức. Năng suất chất lượng thấp, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, phần lớn phụ thuộc vào thị trường tự do, hiệu quả thấp.

Vẫn ở mạch "tâm trạng", báo cáo nêu rằng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, còn có tình trạng nhũng nhiễu gây bức xúc trong dư luận.

Trong khi nêu tình trạng sử dụng đất nông nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị hóa khiến hàng triệu nông dân thiếu việc làm hoặc không có việc làm, Hội Nông dân cũng nhìn nhận “chính sách thu hồi đất và mức đền bù thấp  khiến nông dân thiệt thòi”.

Một vấn đề được cho là phức tạp ở nông thôn hiện nay cũng được báo cáo với Tổng bí thư là lao động và việc làm. Theo ông Cường, thời gian sử dụng lao động của nông dân còn quá thấp, lao động phần lớn là thủ công năng suất thấp, khi thiên tai, hạn hán, lũ lụt xảy ra, tình trạng đói nghèo lại tái diễn.

Nhà nước giao quyền sử dụng đất ngắn hạn nên không khuyến khích đầu tư lâu dài nhằm bảo tồn đất nông nghiệp. Hiệu quả sản xuất thấp nên có tình trạng một bộ phận nông dân không thiết tha gắn bó với đồng ruộng, thậm chí bỏ ruộng để tìm việc khác tại các thành phố.

Tâm trạng băn khoăn lo lắng của nông dân còn có nguyên nhân từ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân chưa tốt; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi.

Về thực hiện dân chủ, Hội cho rằng, “phát huy quyền làm chủ của nông dân ở nhiều nơi còn bị vi phạm, có nơi khá nghiêm trọng”.

“Nông dân rất bất bình với việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta, gây lo lắng cho nông dân nói chung nhất là ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”, ông Cường nhấn mạnh.

Nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến nguyện vọng của nhân dân đã được Hội Nông dân báo cáo với Tổng bí thư.

Trong đó có việc sửa đổi Luật Đất đai theo hướng giao quyền sử dụng đất cho nông dân từ 20 năm lên 50 - 70 năm, bỏ chính sách hạn điền để tạo điều kiện cho các loại hình nông nghiệp có quy mô lớn, hiện đại phát triển, từ đó nâng cao thu nhập đời sống nông dân.

Hội Nông dân cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách mạnh mẽ, bảo vệ vững chắc đất nông nghiệp nhất là đất trồng lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng bí thư đã chia sẻ với khó khăn của nông dân, đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và các chủ trương phát triển nông nghiệp nói chung “phải đi vào cơ chế chính sách cụ thể, chứ không thể nói suông được”.