14:26 10/03/2015

Ông bí thư trẻ và quan điểm “lãnh đạo doanh nghiệp 5T”

Hoàng Anh Minh

Bước sang tuổi 48, ông Chẩu Văn Lâm thuộc vào nhóm ít ỏi những bí thư tỉnh ủy “U50”

Ông Chẩu Văn Lâm trong một cuộc đối thoại được tổ chức theo hình thức "Cà phê doanh nhân".<br>
Ông Chẩu Văn Lâm trong một cuộc đối thoại được tổ chức theo hình thức "Cà phê doanh nhân".<br>
Với 56/56 phiếu thuận, đạt tỷ lệ 100%, ông Chẩu Văn Lâm, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã trúng cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Việc ông Chẩu Văn Lâm trở thành Bí thư Tuyên Quang không khiến nhiều người bất ngờ, vì những thể hiện trước đó của ông ở tỉnh nghèo miền núi này.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bất ngờ chính là những câu chuyện ít biết về vị bí thư trẻ tuổi này.

Ông Chẩu Văn Lâm sinh ngày 16/04/1967 và là một người dân tộc Tày. Khởi nghiệp với công việc là cán bộ chuyên trách của Huyện đoàn Nà Hang, năm 31 tuổi ông đã là Chủ tịch huyện, và năm 44 tuổi ông đã là Chủ tịch tỉnh.

Còn khi chính thức được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, ông Lâm bước sang tuổi 48, thuộc vào nhóm ít ỏi những bí thư tỉnh ủy “U50”, cùng với những người như ông Triệu Tài Vinh (sinh năm 1968), hiện đang là Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.

Nếu không tính đến một ngoại lệ là ông Võ Văn Thưởng, người từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khi mới 41 tuổi, thì những trường hợp như ông Lâm, ông Vinh là hiện tượng khá hiếm trong bộ máy hiện tại. Ông Võ Văn Thưởng hiện là Phó bí thư Thường trực tại Tp.HCM, và cũng là một cán bộ trẻ giàu triển vọng.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp tại Tuyên Quang, ông Lâm là một người có phong cách cởi mở và trẻ trung.

Hồi đầu năm 2014, khi bảng xếp hạng PCI được công bố với kết quả Tuyên Quang là tỉnh “đội sổ”, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Tuyên Quang đã đề xuất với Chủ tịch tỉnh về một cơ chế đối thoại, để chính quyền và doanh nghiệp cùng nhau cải thiện chỉ số này.

Liên tục trong nhiều tháng, các cuộc “Cà phê doanh nhân” đã được Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh này tổ chức, và mỗi lần như vậy ông Chẩu Văn Lâm và các lãnh đạo đầu ngành đều đến dự để ghi nhận các ý kiến.

Bản chất của các cuộc gặp này là những cuộc chất vấn khá trực diện, mà theo ông Chẩu Văn Lâm thì “đây là cà phê, không phải hội trường Ủy ban, nên các đồng chí cứ nói thoải mái”.

Nhờ thái độ cởi mở này, các cuộc “Cà phê doanh nhân” đã được tổ chức khá đều đặn trong năm 2014, mở ra một diễn đàn đối thoại để các doanh nghiệp có thể đưa ra các kiến nghị, đề xuất trực tiếp.

Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang, vì đích thân Chủ tịch UBND tỉnh đến dự và đại diện các ngành đều có mặt, nên trước các vướng mắc, Chủ tịch tỉnh đề chỉ đạo giải quyết tại chỗ.

Nhiều sở, ban, ngành không tham gia hoạt động này sau đó đều bị khiển trách bằng văn bản. “Chúng tôi đang cảm nhận được những thay đổi trên thực tế”, ông Thập nói.

Điều khiến những người gặp ông Lâm có thể dễ dàng cảm nhận được chính là những tư tưởng khá “thoáng” trong vấn đề điều hành kinh tế, khác hẳn so với hình ảnh nhiều chính khách “miền núi”.

Trong rất nhiều phát biểu gần đây, ông luôn nhấn mạnh đến định hướng mở cửa cho các doanh nghiệp được tham gia các dự án phát triển vốn trước đây mặc định là trách nhiệm của nhà nước. “Những gì Nhà nước không làm được thì nên mở ra cho tư nhân làm”, ông nhấn mạnh.

Tuyên Quang trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Chẩu Văn Lâm đã có 1.025 doanh nghiệp, tăng 23,2% (193 doanh nghiệp) so với năm 2010 và tăng 29 lần so với năm 2000, với tổng vốn đăng ký trên 7.646 tỷ đồng và gần 120 triệu USD.

Những con số quá khiêm tốn với các tỉnh miền xuôi, nhưng lại là kết quả của nhiều nỗ lực không mệt mỏi.

Ông Lâm cho biết, sự phát triển và hoạt động kinh doanh hiệu quả của các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút, tạo việc làm và thu nhập cho lượng lớn lao động trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh nhưng chưa có sự chuyển biến nhiều về chất; quy mô nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp, khả năng liên doanh, liên kết còn hạn chế; chậm xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, chưa mạnh dạn đầu tư có chiều sâu vào các lĩnh vực nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Ở phía chủ quan, chính quyền cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ: chủ tịch UBND huyện, thành phố, giám đốc các sở, ngành còn ít trực tiếp gặp, đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như phối hợp để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích cho doanh nghiệp đã được triển khai nhưng chưa được phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo trẻ tuổi cũng nhấn mạnh rằng để có thể phát triển nhanh chóng và bền vững, cộng đồng doanh nghiệp phải phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, nâng cao văn hoá kinh doanh và xây dựng uy tín của doanh nghiệp.

“Lãnh đạo doanh nghiệp phải phấn đấu đạt "5T": từ Tâm, Tầm, Tài, Tín thì đương nhiên sẽ có Tiền. Tôi khẳng định rằng, một doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh phù hợp, thực hiện các chính sách tốt, bố trí nguồn lực hợp lý, quản trị kinh doanh khoa học, chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ thành công”, ông nói.