23:34 20/03/2013

Ông Nguyễn Bá Thanh: “Thống đốc lập lại kỷ cương thôi”

Nguyên Thảo

Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh tiêu cực trong ngành ngân hàng đang là vấn đề được xã hội quan tâm

Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh (bên phải) và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng tại Đà Nẵng, sáng 20/3 - Ảnh: Infonet.<br>
Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh (bên phải) và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng tại Đà Nẵng, sáng 20/3 - Ảnh: Infonet.<br>
“Tôi nhìn thấy một số ngân hàng không biết sợ là gì”, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng tại Đà Nẵng, sáng 20/3.
 

Khi còn làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Thanh cũng đã từng “dọa” sẽ công khai tên các ngân hàng o ép doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố, Ngân hàng Nhà nước với 150 doanh nghiệp trên địa bàn vào ngày 7/9/2012.  
 
Sau sự kiện này, ở kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố vào đầu tháng 12/2012, lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố cho biết đến tháng 10/2012 dư nợ có lãi suất dưới 15% là 32 nghìn tỷ. Dự kiến tổng dư nợ có lãi suất dưới 15% đến 31/12/2012 đạt tỷ lệ khoảng 84% tổng dư nợ.
 
Theo ghi nhận của VnEconomy, tham dự hội nghị sáng 20/3 và phát biểu khi đã ở cương vị mới, ông Nguyễn Bá Thanh vẫn tỏ ra quan ngại về nợ xấu ngân hàng khi còn có dung sai quá lớn giữa thực tế và con số có thể kiểm soát, khi không phải ngân hàng nào cũng “thật thà nói hết”.

"Theo quan điểm cá nhân tôi, thành tựu những năm đổi mới có công lớn của ngành ngân hàng, nhưng nếu mai này mà nền kinh tế có sụp đổ thì cũng bắt đầu từ hệ thống ngân hàng, không thể ai khác", ông Thanh nói.

Đề nghị lãnh đạo ngân hàng hết sức lưu ý cán bộ cấp dưới, vì “mình làm sao sâu sát hết được”, ông Thanh nêu ví dụ: “Cái nhà hắn chỉ có 10 tỷ thôi, hắn định giá lên 5 - 7 chục tỷ, mình ngồi ở nhà mình làm sao biết hết được, rồi mình cũng gật gù,  cũng phê duyệt rồi cũng này khác các thứ. Còn anh em nó tiêu cực, nó cho vay mà nó có quyền lợi ở trong nớ, nên rồi cuối cùng, đến khi mà phát hiện ra là cái nhà đó giá trị thật tại thời điểm vay nó 10 tỷ, nay xuống giá rồi chỉ còn 5 tỷ, mà mình lỡ đưa họ vay 50 tỷ rồi thì họ lấy cái gì họ đưa ra, nói vui là đưa cái mạng trành ra chịu trận”.

“Ở các nước mà báo cáo sai thì pháp luật trừng phạt liền. Chứ còn mình là nói dối nó quen rồi, một số là trong nội bộ biết, số thì báo cáo thanh tra Ngân hàng Nhà nước, số để báo cáo chi nhánh ngân hàng thành phố…”, ông quan ngại về con số nợ xấu.

Liên quan đến thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết về tương lai rất gần của công ty mua bán tài sản quốc gia, vị Trưởng ban Nội chính Trung ương bình luận đây là hướng đi đúng, nhưng quan trọng là thực hiện thế nào, vì rất dễ xảy ra tiêu cực, nên “nếu  không cẩn thận thì cuối cùng cũng là nhà nước và nhân dân gánh chịu”.
 
Bởi hiện nay có những loại nợ không phải là nợ xấu mà quá xấu, không bao giờ có thể đòi được, ông Thanh nhắc lại nhận định đã phát biểu trước Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2012.

Đặt câu hỏi về tình trạng "chung chi" trong việc huy động và cho vay vốn cùa ngân hàng, nguyên Bí thư Đà Nẵng so sánh với việc đội bóng có 11 cầu thủ mà một, hai ông chi cá độ thì “còn đá đấm chi được nữa”.

“Cái cuộc chơi này đòi hỏi kỷ luật, nên tôi đề nghị với Thống đốc là không thể du di được, mình phải lập lại trật tự kỷ cương thôi, nếu muốn lành mạnh. Tôi nhìn thấy một số ngân hàng không biết sợ là gì. Vừa rồi tôi nghe có những vụ mà hắn làm đến 4 - 5 chục tỷ tỉnh queo, thì không có tiền mô mà chịu nổi. Ngân hàng cũng rứa thôi. Cho nên, trong các lĩnh vực mà tiêu cực thì cái tiêu cực ngân hàng cũng là một cái vấn đề mà xã hội đang quan tâm”, ông Thanh phát biểu.
 
Vẫn đặc biệt lưu ý việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà hạ lãi suất chỉ là một trong nhiều biện pháp, ông nhấn mạnh trong lúc khó khăn này, ngân hàng cần chia sẻ với doanh nghiệp.

“Hồi nãy có nghe ý kiến nói là ngân hàng vẫn tính lãi suất cao, tạo áp lực để doanh nghiệp cố gắng (đối với các doanh nghiệp nợ xấu nhưng không hỗ trợ giảm lãi suất, vẫn để mức lãi suất cao cũ - PV). Áp lực vừa vừa thôi, giống như ông chạy thi ấy mà, thấy mấy thằng cha hắn chạy phía trước thì còn ráng ráng theo, chứ hắn chạy cách cả mấy cây số rồi thì muốn ngồi bệt cho rồi, đúng không?”, nhiều tiếng cười không nén được khi ông Thanh ngừng lời.

Trực tiếp lắng nghe và trả lời ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại hội nghị, khẳng định những gì trong tầm tay có thể làm thì sẽ thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay ngành ngân hàng đã tạo ra thanh khoản tương đối dồi dào để giảm áp lực cho vay lãi suất cao. Thống đốc cũng công bố mục tiêu phấn đấu trong năm 2013 là sẽ đưa lãi suất cho vay về trong khoảng 13%.

Đánh giá cao hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố với mức tăng trưởng tín dụng năm 2012 đạt hơn 4%, bằng một nửa mức tăng chung của cả nước, Thống đốc Bình yêu cầu hệ thống ngân hàng trên địa bàn làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu làm sao cho nợ xấu mới không phat sính và giảm được nợ xấu trước đây.

Thống đốc cũng bày tỏ hy vọng với đề án xử lý nợ xấu và thành lập công ty mua bán tài sản quốc gia đã được thông qua, trong tuần này nghị định thành lập công ty sẽ được ban hành. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, có được công cụ này thì giải quyết được một phần, còn chủ lực vẫn là nội lực của các ngân hàng.
 
Với mức tăng trưởng tín dụng của cả nước từ 10 đến 12% trong năm 2013, Thống đốc yêu cầu hệ thống ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng nỗ lực hơn nữa, thường xuyên tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn phát sinh cho các doanh nghiệp. “Cái gì xử lý được thì bảo được, không được cũng nói rõ”, ông lưu ý.