19:23 15/08/2014

PCI miền Trung: Khi Đà Nẵng sống giữa cạnh tranh

Anh Minh

“Tấm gương” Đà Nẵng rõ ràng đang được chính các tỉnh miền Trung mang ra soi

Tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng với thiết kế như ngọn hải đăng hướng ra biển kết hợp với cánh buồm vươn ra khơi, vừa đi vào hoạt động mới đây - Ảnh: Zing.<br>
Tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng với thiết kế như ngọn hải đăng hướng ra biển kết hợp với cánh buồm vươn ra khơi, vừa đi vào hoạt động mới đây - Ảnh: Zing.<br>
Sự trở lại của “đầu tàu” Đà Nẵng trên bảng xếp hạng PCI không đơn độc, khi hầu hết các tỉnh miền Trung đều đã thể hiện một bộ mặt đầy tích cực trong vài năm gần đây.

Nhưng phía trước, cạnh tranh là rất gay gắt, không chỉ giữa các tỉnh miền Trung với phần còn lại của cả nước, mà còn là trong “nội bộ” miền Trung với nhau.

Từng chủ quan


Sau hai năm tụt hạng, Đà Nẵng đã vươn trở lại vị trí quán quân của bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 với số điểm 66,45.

Nhưng trước đó, với việc bị tụt lùi từ hạng 1 (2008-2010) xuống hạng 5 (2011), lãnh đạo Đà Nẵng khá “bối rối”.

Trong một lần trả lời báo chí, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, thừa nhận rằng “thực tế thành phố đã có lúc lơ là, chủ quan và bằng lòng với kết quả đạt được”, do đó, “chưa có những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ và liên tục nhằm duy trì và nâng cao hơn nữa môi trường đầu tư”.

Sự tụt hạng đã khiến cho ông Chiến và ban lãnh đạo Đà Nẵng cảm thấy cần nhìn thẳng vào sự thật để cùng phân tích, đánh giá, xác định những điểm hạn chế, yếu kém và tìm giải pháp hoàn thiện với mục tiêu xây dựng trở thàng một “thành phố đáng sống”.

Sự trở lại trên bảng xếp hạng, được công bố vào tháng 4/2014, có lẽ là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực của thành phố này, đồng thời là sự ghi nhận và biểu dương của cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng trước những nỗ lực cải cách và điều hành của thành phố trong thời gian qua.

Báo cáo PCI 2013 cho hay lĩnh vực đạt thành tích tốt và nổi bật trong năm qua gồm: tiếp cận đất đai, chi phí thời gian để thực hiện các quy định nhà nước, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý, tính năng động của lãnh đạo tỉnh.

Tuy nhiên, với các lĩnh vực trọng yếu của PCI như tính minh bạch, đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, kết quả của Đà Nẵng vẫn chưa thực sự vững mạnh.

Theo các chuyên gia về PCI, điểm số lĩnh vực tính minh bạch, đào tạo lao động của Đà Nẵng chỉ đạt khoảng 6,5/10 điểm, và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp ở mức 5,36 điểm cho thấy không gian cải cách trong thời gian tới vẫn còn rất nhiều.

Trong khi đó, chỉ số về cạnh tranh bình đẳng dù là chỉ số thành phần mới trong PCI 2013, nhưng với mức điểm 5,82, xếp thứ 27/63 tỉnh thành, cho thấy thành phố miền Trung này vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế.

Sống giữa cạnh tranh

Cho dù các tỉnh miền Trung có nhiều điểm tương đồng và đang nỗ lực phát triển dựa trên mối liên kết vùng miền, bản thân các tỉnh rõ ràng cũng cạnh tranh nhau một cách quyết liệt, và “tấm gương” Đà Nẵng rõ ràng đang được chính các tỉnh miền Trung mang ra soi.

Lấy ví dụ gần đây, một đoàn công tác của Khánh Hòa đã đến Đà Nẵng để “học hỏi” về PCI, nơi nọ nhận thấy rằng việc có vị trí cao kể từ những năm đầu tiên công bố PCI đã khiến cho Đà Nẵng luôn sống trong áp lực không nhỏ trong việc duy trì thứ hạng.

Đoàn công tác Khánh Hòa đã nhận ra, và sau đó kiến nghị lên UBND tỉnh Khánh Hòa về tầm quan trọng của sự quan tâm sát sao từ lãnh đạo chính quyền.

“Tại Đà Nẵng, việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư của thành phố nói riêng và cải cách hành chính nói chung đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Sự chỉ đạo, điều hành, đôn đốc kiểm tra thường xuyên của lãnh đạo các cấp là yếu tố quyết định rất lớn đến thành công của công tác cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư và cải cách hành chính”, báo cáo của đoàn Khánh Hòa viết.

Những kiến nghị tương tự có thể cũng đã được các tỉnh thành khác ở miền Trung nắm bắt, đưa tới một không khí cạnh tranh mới.

Theo báo cáo PCI 2013, kết quả thay đổi trung bình điểm số PCI gốc hang năm từ 2006-2013 là có 12/14 tỉnh có cải thiện PCI. Hai tỉnh bị sụt giảm điểm PCI gốc qua 8 năm là Bình Định và Quảng Trị.

Về tổng thể, vùng duyên hải miền Trung có 4 tỉnh nằm trong nhóm 10 tỉnh xuất sắc nhất trong điều hành kinh tế theo xếp hạng PCI 2013, trong đó vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có ba đại diện là Đà Nẵng (1/63); Thừa Thiên - Huế (2/63) và Quảng Ngãi (7/63).

Điểm mạnh của 14 tỉnh duyên hải miền Trung là chỉ số gia nhập thị trường, theo đó chỉ 4/14 tỉnh có điểm số thấp hơn tỉnh trung bình; đồng thời chỉ số về tính minh bạch cũng chỉ có 4/14 tỉnh có điểm số thấp hơn tỉnh trung bình.

Với góc nhìn này, có thể thấy các tỉnh miền Trung khá nổi bật trong xếp hạng PCI, và điều này hứa hẹn một cuộc cạnh tranh dài hơi trong thời gian tới, một khi các lãnh đạo tỉnh thành đều nhận thấy nếu không nỗ lực cải cách, sự "tụt hạng" là khó tránh khỏi và càng ở vị trí cao, khả năng này càng lớn.