21:33 06/03/2010

Phải giám sát độc lập việc phân cấp đầu tư

Chủ trương phân cấp đầu tư cho các địa phương đang có nhiều ý kiến cho là “quá thông thoáng”

TS. Đặng Hùng Võ - Ảnh: VNN.
TS. Đặng Hùng Võ - Ảnh: VNN.
Chủ trương phân cấp đầu tư cho các địa phương đang có nhiều ý kiến cho là “quá thông thoáng”.

TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định chung: không chỉ việc phân cấp đầu tư mà việc phân cấp quản lý hành chính nói chung cho các địa phương là một xu hướng chung của quá trình xây dựng một hệ thống hành chính có hiệu lực và hiệu quả cao. Tuy nhiên, “nguyên tắc này chỉ mang lại hiệu quả tốt khi mỗi cấp hành chính đều thực hiện công việc một cách trong sáng, không quan liêu, không tham nhũng...”, ông Võ nói.

Phải có hệ thống giám sát độc lập

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về chủ trương phân cấp đầu tư?

Ở các nước, người ta thường đưa ra một lộ trình phù hợp của việc phân cấp quản lý hành chính song hành với việc triển khai các cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát và động viên người dân tham gia quản lý. Ở nước ta, cơ chế này đã được chú trọng triển khai nhưng nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của hệ thống đã phân cấp mạnh.

Có những giải pháp cụ thể nào để hạn chế được những nhược điểm của việc phân cấp quản lý?

Cần làm ngay việc nâng cao hiệu quả thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan hành chính; hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử và khuyến khích người dân tham gia vào quản lý.

Giải pháp thứ hai là tạo được hệ thống báo cáo đầy đủ và trung thực của cơ quan hành chính cấp dưới để cấp trên mới biết được cấp dưới làm gì và có quyết định điều chỉnh kịp thời.

Thứ ba là sử dụng công nghệ mới để xác lập một hệ thống giám sát - đánh giá độc lập của cơ quan hành chính cấp trên đối với việc thực hiện của các cơ quan trực thuộc. Công nghệ hiện tại có khả năng làm được việc này thường là công nghệ chụp ảnh mặt đất từ vệ tinh - máy bay, công nghệ thông tin viễn thông... Hệ thống giám sát - đánh giá độc lập này được coi như một kênh riêng để kiểm tra các báo cáo thực hiện của các cơ quan cấp dưới.

Thứ tư là thiết lập tính công khai, minh bạch thực sự của bộ máy hành chính, không có quan liêu, không có tham nhũng và tạo môi trường để người dân có thể tham gia vào quá trình quản lý.

Thứ năm là đào tạo thường xuyên để nâng cao trình độ quản lý, nhất là đối với cán bộ của cấp cơ sở, đồng thời thực hiện thưởng phạt nghiêm minh đối với các cán bộ, công chức, viên chức.    

Tăng trưởng và bền vững phải song song

Gần đây có ý kiến lo ngại trước việc một số địa phương cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn, trong đó có rừng phòng hộ. Nếu các dự án này thực sự tiềm ẩn những nguy cơ, theo ông nên xử lý thế nào?

Tôi cho rằng việc xử lý cần được thực hiện trên cơ sở pháp luật và quy hoạch. Trước hết, các tỉnh đã ký hoặc đang làm thủ tục ký cho người nước ngoài thuê đất rừng phải báo cáo cụ thể các thủ tục đã thực hiện, hiện trạng vùng dự án gắn với bản đồ tỉ lệ 1/10.000. Từ đó, các bộ ngành chức năng xem xét để so sánh với quy hoạch rừng hiện tại, đề xuất điều chỉnh hợp lý quy hoạch lại rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Việc điều chỉnh lại quy hoạch rừng cần được phân tích cụ thể yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia; yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; khả năng phát triển sản xuất lâm nghiệp và dự tính lực lượng chủ yếu để bảo vệ và phát triển rừng. Với những diện tích đã ký cho thuê, nếu thuộc vùng quy hoạch làm rừng sản xuất thì được tiếp tục triển khai, nếu thuộc vùng quy hoạch làm rừng phòng hộ thì nên rút lại địa điểm thực hiện dự án, chuyển dự án sang vùng rừng sản xuất khác, dù phải bồi thường cho nhà đầu tư thì cũng phải làm. Những diện tích đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục dự án hoặc đang trong kế hoạch cho thuê của tỉnh thì đều phải dừng lại chờ điều chỉnh lại quy hoạch rừng.

Làm thế nào để các dự án đầu tư đều đảm bảo cân bằng về sinh thái môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, quốc phòng-an ninh... mà không đi ngược lại chủ trương “thông thoáng”, thưa ông?

Hiện có nhiều cơ quan, địa phương đang hướng theo trạng thái cực đoan trong phát triển kinh tế, đánh đổi mọi giá để tạo tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, có hai vấn đề. Đối với mỗi quốc gia, tồn tại độc lập là mục tiêu cao nhất. Tư duy này cần được xác lập thường xuyên để chi phối mọi quyết định. Sau đó, yếu tố bền vững và yếu tố phát triển cần được đặt ra như hai mặt của một vấn đề, đó chính là nguyên tắc tạo nên quá trình phát triển bền vững.

Cách nhìn như vậy phải được thể hiện đầy đủ trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tất nhiên ta cũng không thể tư duy theo hướng tất cả tập trung bền vững mà không tính đến phát triển kinh tế thì quốc gia sẽ rơi vào nghèo đói. Quan trọng là ta tìm được giải pháp cân bằng phát triển kinh tế thật mạnh trên cơ sở an ninh quốc gia vững chắc, xã hội và môi trường bền vững.

Đoan Trang (Pháp luật Tp.HCM)