15:25 17/02/2012

Phát triển khu kinh tế: Địa phương “kêu” là đúng!

Từ Nguyên

Lãnh đạo các địa phương, bộ ngành và doanh nghiệp mong muốn có một mô hình phát triển khu kinh tế - khu công nghiệp sao cho hiệu quả

Lãnh đạo Quảng Nam tỏ ra tự hào với khu kinh tế Chu Lai, nhưng Phó thủ tướng cho rằng " họ vẫn đang lúng túng lắm"
Lãnh đạo Quảng Nam tỏ ra tự hào với khu kinh tế Chu Lai, nhưng Phó thủ tướng cho rằng " họ vẫn đang lúng túng lắm"
Hầu hết lãnh đạo các địa phương, bộ ngành và doanh nghiệp "than" rằng, phát triển khu kinh tế - khu công nghiệp khó quá trong khi dấu ấn, hiệu quả thì đang nhạt dần.

Ngày 17/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức một hội nghị quy mô lớn với sự tham dự hầu hết lãnh đạo các địa phương, bộ ngành với mong muốn có một cái nhìn toàn diện về hiệu quả lẫn hạn chế của gần 300 khu kinh tế, khu công nghiệp, chế xuất đã và đang hoạt động trên khắp cả nước.

Hút về gần 60 tỷ USD

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khu công nghiệp, khu chế xuất được ra đời gắn liền với công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế do Đảng khởi xướng từ năm 1986.

Và rồi, đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hàng loạt các chương trình phát triển kinh tế – xã hội được triển khai, trong đó có chính sách phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất đánh dấu bằng sự ra đời của Khu chế xuất Tân Thuận tại Tp.HCM năm 1991.

Với chủ trương phát triển mạnh mẽ đó, tính đến cuối 2011, cả nước đã có 283 khu công nghiệp, chế xuất được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 76.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 46.000 ha, chiếm khoảng 61% tổng diện tích đất tự nhiên; 15 khu kinh tế ven biển trải đều trên 58 tỉnh, thành phố.
    
Tính đến cuối tháng 12/2011, các khu công nghiệp, chế xuất đã thu hút được 4.113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 59,6 tỷ USD , tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 27 tỷ USD, bằng 45% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hàng năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu công nghiệp chiếm từ 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước, trong đó các dự án FDI về sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp cả nước.

Riêng trong năm 2011, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký vào các khu công nghiệp, chế xuất đạt 6,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 7,3 tỷ USD; tương đương 44% và 67% tổng vốn FDI đăng ký và thực hiện của cả nước trong năm 2011.
    
Đến tháng 12/2011, tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng của 283 khu công nghiệp vào khoảng 9,5 tỷ USD. Hình thức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đa dạng và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Trong 283 khu đã thành lập có 31 khu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD.

Các khu công nghiệp còn lại do tổ chức kinh tế trong nước làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD, trong đó có khoảng 50 khu công nghiệp do các công ty phát triển hạ tầng hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khoảng 1,5 tỷ USD; còn lại là các khu do doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

20 năm vẫn không rõ mô hình

Hai thập kỷ chưa phải là một quãng thời gian dài đối với con đường phát triển của một nền kinh tế, nhưng nó cũng không phải là ngắn để giúp những người trong cuộc đúc rút ra một chiến lược phát triển mà theo nhìn nhận trước đây là khá hiệu quả.

Thế nên, ngoài vô số những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch và triển khai thực hiện, hàm lượng công nghệ, tính phù hợp về ngành nghề trong cơ cấu đầu tư, đặc biệt là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng còn quá nhiều khó khăn, vướng mắc..., thì chính những người trong cuộc cũng không thể không thừa nhận những bất cập không đáng có của việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay.

Theo Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Hoàng Quân, hiện nay ở địa phương này và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương... có hàng trăm khu công nghiệp, chế xuất. Tuy nhiên, do phát triển một cách tự phát nên đến nay, phần lớn các khu công nghiệp đã gần như không được kết nối với thực tế của xã hội, của nền kinh tế trong vùng đó.

Chẳng hạn, theo lãnh đạo Tp.HCM, hiện các khu công nghiệp ở khu vực này nhưng lại không được gắn với mạng lưới các trường đại học, đào tạo nghề. Điều đó dẫn tới thực tế công nghiệp phụ trợ của vùng này phát triển rất kém, hầu như chỉ đi làm thuê cho các nhà đầu tư lớn ngoài nước.

Ở góc độ doanh nghiệp, những người trực tiếp đầu tư vào lĩnh vực này, bà Đỗ Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) nói rằng, hiện đang kêu gọi phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế song các chính sách mới ban hành đều kém hấp dẫn hơn trước đây. Thực tế tại nhiều khu công nghiệp nhưng chính sách, thuế, phí... áp dụng trong cũng như ngoài khu công nghiệp, khiến không ít nhà đầu tư đang có xu hướng thuê đất ngoài khu công nghiệp vì có giá thấp hơn.

“Rất nhiều cảnh báo đã được chúng tôi lẫn các chuyên gia đưa ra, đó là trong thời gian tới, rất có thể các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời bỏ Việt Nam, sang đầu tư các nước khác như Thái Lan, Myanmar... thay vì chọn chúng ta là điểm đến như trước đây”, bà Hằng nói.

Để chứng minh cho nhận định đó, số liệu bà Hằng dẫn ra cho thấy, ở Đồng Nai, nếu như 2008 có đến 41 dự án có vốn FDI đăng ký vào các khu công nghiệp, thì sang năm 2009 chỉ còn 6 dự án.

Cùng lo ngại trên, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho biết, trong khi đang kêu gọi đầu tư, nhưng nhiều địa phương lại đưa ra giá thuê đất quá cao khiến cho giá thuê trong khu công nghiệp phải tăng theo. Thậm chí như ở Hà Nội, giá thuê đất trong các khu công nghiệp có nơi lên tới 1 triệu đồng/m2.

Không những thế, vốn vay để đầu tư vào các khu công nghiệp lại được Ngân hàng Nhà nước liệt vào danh mục đầu tư bất động sản nên đã áp lãi suất cao nhằm hạn chế cho vay.

Thế nhưng, lo ngại hơn cả tại hội nghị chính là dường như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan chủ quản, cùng các bộ ngành liên quan khác vẫn chưa thể đúc rút được những bài học, những kinh nghiệm xác đáng cũng như chưa đưa ra được một mô hình lý tưởng, hay khiêm tốn hơn là có hiệu quả, để cho các địa phương, doanh nghiệp bắt chước, làm theo.

“Tôi thấy hơi ngạc nhiên là gần hết hội nghị tổng kết 20 năm rồi nhưng không thấy bất kỳ một ai nêu ra mô hình cho một khu công nghiệp, khu kinh tế như thế nào là hiệu quả cả, trong khi đó mới chính là cái chúng tôi cần”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự chia sẻ với VnEconomy bên lề hội nghị.

Thế cho nên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải trước đó phát biểu tại hội nghị đã phải nhấn mạnh “phát triển các khu kinh tế mở là việc làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, do đó rủi ro rất cao đấy”.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, những gì mà địa phương, doanh nghiệp “kêu” là rất đúng!.

Tuy nhiên, Chính phủ mong doanh nghiệp thông cảm và chia sẻ với Chính phủ vì hiện dư địa ưu đãi cho các khu công nghiệp, khu kinh tế theo mô hình cũ không còn nhiều, thậm chí là đã hết sạch vì Việt Nam đang trong tiến trình mở cửa, hội nhập.

Thế nên, điều mà Chính phủ có thể làm được trong lúc này là yêu cầu các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xóa bỏ sách nhiễu và phải “xắn tay vào cùng doanh nghiệp để làm khu công nghiệp, kinh tế” mới mong hiệu quả được.

Về chủ trương phát triển trong thời gian tới, Phó thủ tướng cho biết, quan điểm của Chính phủ là phải rà soát lại quy hoạch, tạm dừng phát triển quy hoạch mới, tránh tình trạng “vẽ ra nhiều nhưng hiệu quả rất thấp”, đặc biệt tuyệt đối không lấy đất lúa làm khu công nghiệp. Cùng với đó, có thể đề xuất lập hẳn một cơ quan chuyên trách với nhiệm vụ trọng tâm là tháo gỡ các vướng mắc, lúng túng trong lĩnh vực này.