09:24 30/03/2013

Phạt xe không chính chủ “không ổn lắm”

Song Hà

Ước tính Việt Nam hiện có trên 10 triệu xe máy không chính chủ

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, để xảy ra tình trạng "xe không chính chủ" là do lỗi từ hai phía, trong đó có một phần là do quy định, chính sách của nhà nước.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, để xảy ra tình trạng "xe không chính chủ" là do lỗi từ hai phía, trong đó có một phần là do quy định, chính sách của nhà nước.
"Theo thông tin chưa đầy đủ, chúng ta có trên 10 triệu xe máy không chính chủ do rất nhiều quy định bất cập trước đây, và bây giờ phải có giải pháp để tạo điều kiện cho người dân khắc phục những lỗi này, bởi trong đó có một phần là do quy định, chính sách của Nhà nước", nhìn nhận của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trước những phản hồi của báo chí, dư luận về quy định “xử phạt xe không chính chủ” mà các cơ quan chức năng đang triển khai trên toàn quốc.

Theo ông Đam, từ năm 1995, xuất phát từ điều lệ an toàn giao thông đường bộ, chúng ta đã quy định việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông nếu phương tiện không phải là chính chủ. Tới năm 2005, có nhận thức lại là vẫn phải quy định nghĩa vụ đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đối với những động sản theo quy định Bộ luật  Dân sự. Ngay khi đó, chúng ta đã nhận thức lại phải chuyển đối tượng xử phạt sang chủ phương tiện.

Đối với Nghị định 71/CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, khi được ban hành, do lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn không đúng tinh thần của nghị định, xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông về nguồn gốc phương tiện giao thông mà mình đang điều khiển.

Việc này sau đó đã được chấn chỉnh bằng việc sửa đổi lại một số quy định đang được cơ quan chức năng dự thảo, song theo Bộ trưởng Đam, việc xử phạt nguồn gốc của phương tiện giao thông cơ giới không chính chủ vẫn là một chủ trương đúng đắn nhằm bảo vệ lợi ích cho chính bản thân mỗi người dân.

Do vậy, khi cần đăng ký chính chủ thì đương nhiên phải đi kèm với chế tài xử phạt và việc xử phạt vi phạm phải đúng đối tượng là phải xử phạt chủ phương tiện chứ không phải người điều khiển.

“Chúng tôi được biết sau khi báo chí nêu, lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đã có trao đổi, hai bộ đang tiến hành xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi và khi hai bộ trình lên, Chính phủ sẽ xem xét với tinh thần là quản lý tốt xã hội nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khắc phục tồn tại trong nhiều năm trước đây”, Bộ trưởng Đam cho hay.

Trả lời câu hỏi của báo giới trước sự “cứng rắn” và “không ổn” của việc xử phạt, bởi nghị định hiện đang được Chính phủ giao chỉnh sửa lại, song cơ quan chức năng vẫn tiến hành xử phạt theo chế tài cũ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói “đương nhiên là không ổn lắm” khi có hơn 10 triệu phương tiện giao thông đang vi phạm quy định về đăng ký sở hữu phương tiện.

Vì vậy, quan điểm của Chính phủ là chúng ta phải tính giải pháp sao cho không phải một lúc xử lý hết ngay các vi phạm mà mọi người dân phải có ý thức chuyển đổi sở hữu phương tiện. Bộ Công an cũng đã dừng ngay việc dừng phương tiện giao thông để kiểm tra xe chính chủ. Đối với các điểm đăng ký xe, Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra xem xe có chính chủ hay không.

Cũng theo Bộ trưởng Đam, Bộ Công an cần thiết phải có biện pháp nhắc nhở đi kèm với chế tài. Hiện Văn phòng Chính phủ đã chuyển thông tin báo chí nêu tới Bộ Công an để nghiên cứu, chỉ đạo các lực lượng chức năng. Lãnh đạo Bộ Công an cũng khẳng định quán triệt tinh thần như Thủ tướng chỉ đạo là chúng ta vừa ra những chế tài để hướng người dân khắc phục tồn tại, đồng thời không để phát sinh những lỗi mới và tạo điều kiện để người dân đăng ký.

“Nhiều ý kiến cho rằng nếu thủ tục thuận lợi, chi phí không đáng kể thì ai cũng muốn đăng ký phương tiện thuộc sở hữu của mình, nhưng khó là rất nhiều phương tiện qua tay nhiều chủ. Điều này đòi hỏi phải có quá trình xử lý nhưng quan trọng là để làm sao không tái phạm mới”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.