08:17 01/11/2015

Quản lý cán bộ: Những sai sót không rõ danh tính

Nguyên Vũ

Báo cáo không đề cập bất cứ danh tính bộ, ngành, địa phương nào đã để xảy ra những hạn chế, sai sót

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã nhiều lần nhận chất vấn về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.<br>
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã nhiều lần nhận chất vấn về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.<br>
Gửi báo cáo đến Quốc hội về việc quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định các bộ, ngành, địa phương đều còn có thiếu sót, tồn tại.

Đây là nội dung bổ sung theo yêu cầu của cơ quan thẩm tra của Quốc hội, với các báo cáo của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội sau chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Nhiều loại sai sót

Trong đó, cơ quan thẩm tra nêu rõ yêu cầu bổ sung về việc tổng kết, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; về những biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức và việc xử lý những hành vi này như nghị quyết Quốc hội đã yêu cầu.

Theo Bộ trưởng Bình, đã có hơn 30 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 15 bộ, ngành và 18 ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện trong hai năm qua.

Những thiếu sót, tồn tại qua thanh tra, kiểm tra khá phong phú. Trong đó có chỉ tiêu biên chế hành chính hàng năm vượt quá chỉ tiêu được Bộ Nội vụ giao, cá biệt có tỉnh còn giao chỉ tiêu “biên chế địa phương” cho các cơ quan, đơn vị.

Đáng chú ý là trong bổ nhiệm  vẫn có việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và của đơn vị. 

Như, chưa đáp ứng trình độ lý luận chính trị, trình độ đại học, thiếu kê khai tài sản, đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật và quá tuổi bổ nhiệm lần đầu; thực hiện không đầy đủ quy trình, thủ tục bổ nhiệm; ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm.

Một số công chức lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn tại thời điểm bổ nhiệm theo quy định chung và quy định riêng của các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Bình đánh giá.

Sai sót tiếp theo là hồ sơ bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng các đơn vị còn chưa đầy đủ thủ tục, thiếu về ý kiến của tập thể lãnh đạo, báo cáo tự nhận xét đánh giá của cán bộ, công chức lãnh đạo được xem xét bổ nhiệm, tờ trình đề nghị bổ nhiệm của đơn vị tham mưu trình người có thẩm quyền ký quyết định bổ nhiệm...

Còn có hiện tượng số lượng cấp phó của người đứng đầu vượt quá quy định, báo cáo nêu rõ.

Nhưng không rõ ai

Liệt kê khá nhiều sai sót, hạn chế khác nữa, song báo cáo của Bộ trưởng Nội vụ tuyệt nhiên không đề cập bất cứ danh tính bộ, ngành, địa phương nào đã để xảy ra những hạn chế, sai sót đó, mức độ thế nào và đã được xử lý ra sao.

Phần phụ lục của báo cáo cũng chỉ có tên các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, chứ không có thông tin  về kết quả, thanh tra, kiểm tra.

Thiếu số liệu minh họa về thực tiễn chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện đầy đủ yêu cầu nghị quyết của Quốc hội cũng là nhận xét của cơ quan thẩm tra với báo cáo của Chính phủ, trong lĩnh vực nội vụ.

Vẫn theo cơ quan thẩm tra thì báo cáo của Chính phủ còn thiếu các nhận xét, đánh giá, kiến nghị cụ thể trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức; chú trọng các đề án: cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, chính sách tiền lương.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, cùng với áp lực giảm bội chi ngân sách nhà nước, số đối tượng trong diện hưởng lương và trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước là rất lớn nên khó bố trí đủ nguồn tài chính cho cải cách tiền lương.

Đáng chú ý là việc các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề, làm phát sinh sự bất hợp lý, thiếu công bằng giữa các ngành nghề và giữa các cán bộ, công chức làm việc trong các ngành nghề khác nhau, báo cáo thẩm tra nêu rõ.