17:32 04/11/2011

Quảng cáo sai: Quản và “xử” đều khó

Nguyễn Lê

Dự thảo Luật Quảng cáo được cho là chưa có các quy định khả thi để khắc phục những bất cập hiện nay

Cả hai dự án Luật Quảng cáo và Luật Giáo dục đại học đều được thảo luận tại tổ vào sáng 4/11 - Ảnh: Hải Hà
Cả hai dự án Luật Quảng cáo và Luật Giáo dục đại học đều được thảo luận tại tổ vào sáng 4/11 - Ảnh: Hải Hà
Do bố trí chung với dự án Luật Giáo dục đại học nên phần thảo luận dự án Luật Quảng cáo tại phiên họp tổ của Quốc hội chỉ được dành thời gian nửa buổi sáng 4/11.

Tuy nhiên, trong bằng đó thời gian cũng đã có quá nhiều bất cập trong quản lý và cả xử lý những vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo được các đại biểu chỉ ra, kèm với những bức xúc đã được trải nghiệm.

Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), hiện đang là giám đốc một bệnh viện tư nhân, bảo rằng cứ trung bình hai ngày nhận được một cuộc gọi mời quảng cáo, có khi một ngày có hai ba người đến xin quảng cáo, không hẳn chỉ là người của các cơ quan báo chí.

Với chuyên môn là bác sĩ, ông Hồng cho rằng, nguy hiểm nhất là quảng cáo về thuốc chữa bệnh có biểu hiện “lừa”, vì nghe “ngon” lắm nhưng mà chúng tôi biết là không uống được, trong khi dân ta có bệnh thì vái tứ phương.

Nghe truyền hình quảng cáo khéo ơi là khéo, dao cắt được cả đá, tôi mua cho bên nội bên ngoại mỗi bên 1 bộ, nhưng về chả dùng được, đành vứt đấy, ông Hồng kể tiếp.

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Nghệ An) lo ngại tác động xấu của những quảng cáo không đúng thực tế, từ lý do hiện nay chúng ta không có cơ quan xuất bản và báo chí tư nhân nên người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn tin tưởng vào những thông tin quảng cáo trên phương tiện của nhà nước.

Hơn nữa tác hại của hành vi “quảng cáo” truyền miệng, rỉ tai theo kiểu chỗ này chữa bệnh hay lắm cũng rất lớn song chưa có quy định điều chỉnh.

“Rồi cả những quảng cáo như bánh đậu xanh ngon nhất trên đời, a đây rồi thịt chó ngon nhất… cũng cần xem lại”, ông Hiền nói.

Một hình thức quảng cáo khác khiến đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) hết sức bức xúc là lợi dụng các cơ quan, cá nhân có ảnh hưởng để quảng cáo.

“Tôi đã nhận được rất nhiều quảng cáo qua điện thoại nhằm bán sách về danh nhân, với ý là các vị ấy nổi tiếng như thế, nếu tôi không mua thì không ra gì”, bà Thủy phát biểu.

Chỉ ra vô số hạn chế cả về quản lý và xử lý vi phạm của hoạt động quảng cáo hiện nay, điều làm các vị đại biểu quan ngại là dự thảo luật quảng cáo chưa có các quy định khả thi để có thể khắc phục.

Đại biểu Hiền đề nghị để lập lại trật tự trong lĩnh vực quảng cáo, bảo vệ lợi ích cho dân và người quảng cáo cần xác định rõ loại hình nào và rõ trách nhiệm của người đăng quảng cáo trong dự luật mới.

Nhiều vị đại biểu đề nghị nên để Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo, thay vì giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch như dự thảo luật.

Theo đại biểu Hồ Thị Thủy thì lấy lý do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có kinh nghiệm và có sẵn bộ máy quản lý lĩnh vực này là không khoa học và chưa thuyết phục. Nếu cần thì có thể chuyển cả bộ máy này về bộ Thông tin và Truyền thông, một vị đại biểu khác nêu ý kiến.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thế Trường (Vĩnh Phúc) thì tư duy kinh tế và văn hóa trong quảng cáo phải nhất quán, rành mạch, dự thảo luật chưa kế thừa được giá trị của Luật Thương mại và Pháp lệnh Quảng cáo.

Đại biểu Trường cũng đề nghị, cần có quy định tuyệt đối không quảng cáo trên kênh truyền hình về chính trị như VTV1.

Cấm quảng cáo qua điện thoại, thư điện tử và blog cũng là đề nghị của không ít vị đại biểu.