18:53 19/06/2010

“Quốc hội đã cân nhắc kỹ lưỡng dự án đường sắt cao tốc”

Nguyên Hà

Sau 25 ngày làm việc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá 12 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra

Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc kỳ họp thứ bảy - Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc kỳ họp thứ bảy - Ảnh: TTXVN.
"Quốc hội đã thảo luận, xem xét, cân nhắc toàn diện các mặt một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, thận trọng dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM", Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc kỳ họp thứ bảy, chiều 19/6.

Theo đánh giá của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, sau 25 ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần thật sự dân chủ, đổi mới, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá 12 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Tại kỳ họp này, bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội đã thảo luận, phân tích sâu sắc tình hình kinh tế xã hội, ngân sách, tiến hành giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.

Riêng với dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đây  là một dự án rất lớn, có mối quan hệ, tác động nhiều mặt, được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

"Với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở các báo cáo và tờ trình của Chính phủ, lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, Quốc hội đã thảo luận, xem xét, cân nhắc toàn diện các mặt một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, thận trọng dự án, giao Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về giao thông trong cả nước cũng như từng vùng, hệ thống giao thông Bắc - Nam", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chuẩn bị sửa Hiến pháp

Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Theo đó, năm 2011 sẽ có 14 dự án luật được thông qua, trong đó có Luật Kiểm toán độc lập; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự; Luật Thủ đô...

Trong số 9 dự án luật được cho ý kiến có Luật Quảng cáo, Luật Quản lý giá, Luật Bảo hiểm tiền gửi….

Mặc dù trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp ngay trong nhiệm kỳ khóa 12, song Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 vẫn chỉ nằm trong chương trình chuẩn bị của năm 2011.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp cuối năm nay, Quốc hội sẽ nghe kết quả tổng kết việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại một số địa phương. Trong trường hợp Quốc hội quyết định không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thì sẽ phải sửa đổi các quy định tương ứng của Hiến pháp liên quan đến hội đồng nhân dân.

Việc sửa đổi được tiến hành ngay trong nhiệm kỳ khóa 12, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 5/2011.

Các vấn đề cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước và các vấn đề khác có liên quan của Hiến pháp 1992 cần sửa đổi (kể cả các luật về tổ chức bộ máy nhà nước) thì phải có thời gian nghiên cứu, tổng kết một cách kỹ lưỡng việc thực hiện Hiến pháp, cập nhật việc bổ sung, phát triển cương lĩnh chính trị, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ thông qua.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ các dự án này trong dự kiến chương trình chuẩn bị để các cơ quan hữu quan tổ chức việc nghiên cứu.

Ưu tiên trường đại học hoạt động “không vì lợi nhuận”

Cũng trong phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Giáo dục đại học trong năm 2011. Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới và ban hành điều lệ các cơ sở giáo dục đại học, xác định các mục tiêu, quy mô và cơ cấu giáo dục đại học sát với thực tế.

Nghị quyết cũng nêu rõ, ưu tiên thành lập các cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư lớn và đảm bảo đầy đủ các tiêu chí và điều kiện theo quy định.

Đồng thời, ban hành các tiêu chí xác định cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận” và “vì lợi nhuận hợp lý” để áp dụng chính sách, chế độ ưu tiên phù hợp với từng loại trường và có biện pháp ngăn chặn những biểu hiện thương mại hóa giáo dục.

Trước một số ý kiến băn khoăn về quy định này là không khuyến khích các nhà đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tế đa số các cơ sở giáo dục đại học tư thục lựa chọn mô hình hoạt động có tính đến “lợi nhuận hợp lý” nhưng cũng có một số cơ sở giáo dục đại học tư thục lựa chọn mô hình hoạt động “không vì lợi nhuận”.

Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên hợp lý để khuyến khích các trường thực sự hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận”, đồng thời có biện pháp ngăn chặn biểu hiện thương mại hóa giáo dục như đã nêu trong nghị quyết.