17:50 21/06/2013

Quốc hội đánh giá thế nào về phiên chất vấn thành viên Chính phủ?

Nguyễn Lê

Có ý kiến cho rằng một số vị trả lời chất vấn chưa giải đáp hết các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra

Ở nghị quyết sau khi đã được chỉnh lý, Quốc hội đánh giá phiên chất vấn được tiến hành dân chủ, công khai, trách nhiệm, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng.
Ở nghị quyết sau khi đã được chỉnh lý, Quốc hội đánh giá phiên chất vấn được tiến hành dân chủ, công khai, trách nhiệm, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng.
Với đa số phiếu thuận, cuối phiên bế mạc chiều 21/6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5.

Như thường lệ, trước khi các vị đại biểu bấm nút, một báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày.

Báo cáo nêu rõ, góp ý vào dự thảo nghị quyết, có ý kiến cho rằng một số vị trả lời chất vấn chưa giải đáp hết các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra, còn biểu hiện né tránh hoặc trả lời chung chung. Vì vậy, đề nghị không khẳng định là các bộ trưởng, trưởng ngành đã giải đáp được các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã nêu ra.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và chỉnh lý trong dự thảo”, Chủ nhiệm Phúc báo cáo.

Bên cạnh ý kiến nêu trên, một số ý kiến cho rằng dự thảo nghị quyết chưa đề cập đến nội dung chất vấn các phó thủ tướng Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các phó thủ tướng thay mặt Chính phủ giải trình, làm rõ thêm về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Và các nội dung này đã được đưa vào các lĩnh vực cụ thể trong dự thảo nghị quyết, nên không quy định phần riêng về vấn đề này.

Ở nghị quyết sau khi đã được chỉnh lý, Quốc hội đánh giá phiên chất vấn được tiến hành dân chủ, công khai, trách nhiệm, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi thẳng thắn, đúng trọng tâm, tập trung vào những vấn đề bức xúc được cử tri cả nước quan tâm. Các phó thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành với trách nhiệm của mình cơ bản giải đáp được các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã nêu và đưa ra được một số giải pháp cụ thể để giải quyết.  

Quốc hội cũng đưa ra yêu cầu cụ thể với từng lĩnh vực.

Đặc biệt quan tâm đến chính sách cho ngư dân

Với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, yêu cầu cụ thể là tiến hành tái cơ cấu ngành, sản phẩm, gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy, hải sản, rừng...; đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp; thực hiện liên kết giữa các ngành trong sản xuất nông nghiệp và với các ngành khác.

Tập trung xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, phấn đấu để có nhiều sản phẩm nông nghiệp được công nhận là sản phẩm sạch, chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bao gồm đầu tư công, tín dụng, bảo hiểm, thuế và các lĩnh vực khác, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả; đặc biệt quan tâm đến chính sách cho ngư dân vùng biển gắn với chiến lược biển, nghị quyết nêu rõ.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được yêu cầu phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương các cấp trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm động lực phát triển đất nước; giải quyết những tồn tại, bất cập trong quản lý lĩnh vực văn hóa, trước hết là những biểu hiện xuống cấp về văn hóa, suy thoái về đạo đức xã hội, đạo đức học đường, đạo đức trong gia đình và trong các quan hệ xã hội khác; tuyên truyền, giáo dục lối sống lành mạnh trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Yêu cầu tiếp theo là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hiện tượng tiêu cực; phối hợp chặt chẽ các lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu du lịch, điểm du lịch.  Phấn đấu đến năm 2020 du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế; sau 2020, có vị trí xứng đáng trong khu vực
.
Tập trung giải quyết 1.724  kiến nghị của cử tri

Với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, nghị quyết cũng đưa ra một số yêu cầu, trong đó có mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng với doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế và các hình thức liên kết trong công tác đào tạo nghề.

Bên canhh đó là hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn; ưu tiên đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm đối với người dân bị thu hồi đất.

Yêu cầu tiếp theo là quản lý doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quản lý trong nước, đơn vị sử dụng lao động ngoài nước và người lao động.

Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu theo quy định của pháp luật về lao động cũng là yêu cầu được thể hiện tại nghị quyết.

Liên quan đến hoạt động của viện kiểm sát nhân dân, theo nghị quyết phải bảo đảm kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; kịp thời khắc phục những tiêu cực, tồn tại trong ngành kiểm sát.

Quốc hội cũng giao Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung giải quyết, trả lời 1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội tại kỳ họp này và các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp trước chưa được giải quyết, trả lời.