00:00 09/11/2009

Quốc hội “khám sức khỏe” tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

Nguyên Hà

Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

Không ít đơn vị, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu nhờ vào vốn vay ngân hàng và vốn chiếm dụng, cơ cấu tài chính không hợp lý, dễ phát sinh rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu…
Không ít đơn vị, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu nhờ vào vốn vay ngân hàng và vốn chiếm dụng, cơ cấu tài chính không hợp lý, dễ phát sinh rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu…
Ngay ngày đầu tiên trong tuần làm việc thứ tư (từ 9 – 13/11) của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Vào giữa tuần trước, báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Theo đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn còn không ít những hạn chế, chưa đầy đủ, thiếu thống nhất và đồng bộ. Mô hình tổ chức của tập đoàn kinh tế và tổng công ty còn có những bất cập, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế.

Đáng chú ý, có tới 45,05% các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả thấp (tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%), ảnh hưởng đến hiệu quả chung của khu vực kinh tế Nhà nước. Một số tập đoàn, tổng công ty đã không thực hiện được nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu, thậm chí thất thoát.
 
Không ít đơn vị, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu nhờ vào vốn vay ngân hàng và vốn chiếm dụng, cơ cấu tài chính không hợp lý, dễ phát sinh rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu….

Và hôm nay, Quốc hội sẽ dành trọn một ngày thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát đó. Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp để cử tri có thể “giám sát” hoạt động giám sát này của Quốc hội.

Cũng trong tuần này, xen giữa các buổi thảo luận về các dự án luật, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010 và Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010. Nội dung quan trọng này đã được Quốc hội dành thời gian thảo luận ngay từ tuần làm việc đầu tiên. Chỉ tiêu bội chi ngân sách Nhà nước, một chỉ tiêu còn có nhiều ý kiến khác nhau trong Quốc hội,  sẽ được “chốt” trong nghị quyết về dự toán ngân sách.

Lập pháp cũng là một nội dung được Quốc hội dành nhiều thời gian tại tuần làm việc mới. Các dự án luật được Quốc hội thảo luận là Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Bưu chính, Luật Nuôi con nuôi, Luật Thuế nhà, đất... Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội dự án Luật An toàn thực phẩm và dự án Luật Người khuyết tật trong ngày thứ Ba.

Trọn ngày làm việc cuối tuần, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Lai Châu và dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Thảo luận ở tổ cuối tuần trước, hầu hết các vị đại biểu đã thể hiện sự đồng thuận cao với chủ trương đầu tư hai dự án này. Tuy nhiên, còn nhiều băn khoăn của đại biểu tập trung ở công tác tái định cư, một công việc còn quá nhiều bất cập ở không ít các dự án lớn.