11:55 29/03/2011

Quốc hội sẽ có “quyết định phù hợp” về điện hạt nhân

Nguyễn Lê

Chính phủ báo cáo với Quốc hội về tình hình thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Đại biểu Dương Trung Quốc lo ngại về sự chủ quan của các cơ quan quản lý - Ảnh: VNN.
Đại biểu Dương Trung Quốc lo ngại về sự chủ quan của các cơ quan quản lý - Ảnh: VNN.
Cuối phiên họp của Quốc hội tại hội trường sáng 29/3, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo với Quốc hội về tình hình thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, và những kinh nghiệm rút ra từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 Nhật Bản.

Đây là nội dung đã được một số vị đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội ngày 26/3 vừa qua.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phản ánh, hiện nay nhiều cử tri đang rất lo lắng, tâm tư về tình hình tiến độ của dự án nhà máy điện hạt nhân.

“Nhưng mà thực lòng, tôi chưa nắm bắt được thông tin cụ thể để mà giải thích cho nhân dân”, bà Hương nói.

Bởi vậy, vị đại biểu là người Ninh Thuận này mong muốn qua truyền hình trực tiếp, chủ tọa phiên họp tạo điều kiện cho cử tri nghe một cách chính thống về lời phát biểu của Chính phủ về công trình nhà máy điện hạt nhân đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.

“Tôi thiết nghĩ, nếu thực sự tốt thì ta cứ công khai, để tạo sự đồng thuận mạnh mẽ trong nhân dân. Có sự thống nhất quyết tâm cao thì chúng ta sẽ có sức mạnh vững chắc, và sẽ làm thành công”, bà Hương phát biểu.

Cũng tại phiên thảo luận đó, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng khi xảy ra những hiện tượng ở Nhật Bản liên quan đến an toàn của nhà máy điện nguyên tử, phản ứng của rất nhiều nước, kể cả những nước có kinh nghiệm và có tiềm lực về nguyên tử, là rất khôn ngoan khi đưa ra những ứng xử một cách thận trọng, đồng thời có từng bước đi một.

Nhưng ở nước ta, "những cán bộ, những cơ quan quản lý lĩnh vực này phát biểu một cách hết sức chủ quan, và sự chủ quan đó không những không trấn an được người dân, mà còn làm tăng thêm nỗi lo lắng của họ", ông Quốc thẳng thắn.
 
“Có thể phần nào là vì vấn đề xây dựng nhà máy điện nguyên tử đã trở thành nghị quyết của Quốc hội, mỗi chúng ta ở đây đều phải chịu trách nhiệm về việc đó”, ông nói tiếp.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các công việc có liên quan đến dự án để có thể khởi công nhà máy số 1 theo đúng tiến độ.

Chính phủ cũng đã giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lập kế hoạch ứng phó sự cố và xây dựng cơ sở kỹ thuật cho việc ứng phó sự cố, giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố.

Cũng theo Phó thủ tướng, sự cố điện hạt nhân tại Nhật Bản cho những bài học rất lớn, đặc biệt là với Việt Nam.

Vì vậy, việc lựa chọn địa điểm cũng như công nghệ phải tính đến tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến an toàn của nhà máy, kể cả những trường hợp rủi ro nhất, như động đất, sóng thần, máy bay đâm và những sự cố khác...  nhằm  bảo đảm tính an toàn cao nhất cho nhà máy trong điều kiện có sự cố.

Chính phủ yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xây dựng, vận hành, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân để có thể ứng phó với mọi tình huống, kể cả khi có sự cố, cũng được đặc biệt chú trọng ngay từ bây giờ.

Các mô hình ứng phó khẩn cấp khi có sự số được xây dựng đồng thời diễn tập thường xuyên trong công chúng và các cấp, các ngành nhằm ứng phó nhanh và hiệu quả nhất trong trường hợp sự cố, Phó thủ tướng nói.

Ngay sau báo cáo của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong nghị quyết của Quốc hội về đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã xác định phải chọn công nghệ hiện đại nhất, đã được kiểm chứng bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ phải tính toán thiết kế chương trình theo tiêu chuẩn cấp đặc biệt, nghiên cứu đánh giá đầy đủ về tác động của các đứt gãy, kiến tạo địa chất, các hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở khu vực triển khai dự án...

"Quốc hội đã yêu cầu trước khi xây dựng tổ máy đầu tiên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội kết quả chuẩn bị. Như vậy, căn cứ vào tình hình thực tiễn chuẩn bị triển khai dự án, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và tình hình thực tế, Quốc hội sẽ xem xét và có quyết định phù hợp", Phó chủ tịch nói.