10:23 28/03/2012

Quốc hội sẽ “nóng” chuyện bỏ phiếu tín nhiệm?

Lê Châu

Dư luận rất quan tâm đến đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh được Quốc hội bầu và phê duyệt

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13 sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13 sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha, dư luận rất quan tâm đến đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh được Quốc hội bầu và phê duyệt. Vì vậy, ngay từ kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới, Quốc hội nên rà soát, chuẩn bị kỹ cơ sở pháp lý và tiến hành sớm việc này để củng cố niềm tin của nhân dân.

Trước đó, khi phát biểu tại hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4, diễn ra cuối tháng 2 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc Quốc hội sớm có hướng dẫn để thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Khi bàn về vấn đề này tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần rồi, một số lãnh đạo của các ủy ban của Quốc hội đều cho rằng đây là vấn đề cần xem xét rất thận trọng.

Nội dung về việc bỏ phiếu tín nhiệm được tiến hành thế nào sẽ được thảo luận chung với nội dung thảo luận về đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong chương trình kỳ họp thứ 3, sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Sau đó Quốc hội sẽ xem xét thông qua đề án vào cuối kỳ họp.

Vị trí đặc biệt của đề án tái cơ cấu nền kinh tế

Theo gợi ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong việc xây dựng chương trình cho kỳ họp thứ 3, cần đề nghị Chính phủ ngoài chuẩn bị báo cáo riêng về đề án tái cơ cấu nền kinh tế, thì trong báo cáo chung về tình hình kinh tế - xã hội cũng có mục đề cập đến đề án này. Phó chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị truyền hình trực tiếp khi Thủ tướng trình đề án và phiên thảo luận của Quốc hội về nội dung này để cử tri cả nước theo dõi.

Theo chương trình dự kiến, ngay trong ngày làm việc đầu tiên, 21/5, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tờ trình về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và báo cáo thẩm tra đề án này do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định đây là nội dung đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa định hướng cho việc thảo luận các nội dung kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước.

Phiên bế mạc kỳ họp, dự kiến diễn ra vào 22/6, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nói: “Có thể yêu cầu Chính phủ báo cáo bước đầu hoặc tổng thể thực hiện Nghị quyết Năm an toàn giao thông hoặc là báo cáo trực tiếp về vấn đề cử tri đang quan tâm là việc thu phí, lệ phí giao thông đường bộ và kết quả của việc điều chỉnh giờ học, giờ làm ở một số thành phố lớn”.

Được mời tham dự phiên họp này, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha nói, “hiện người dân đang rất quan tâm đến việc Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu phí lưu thông phương tiện. Người dân trông chờ rất nhiều vào quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đối với đề xuất này”.

Quốc hội muốn ngày càng chủ động

Dự kiến, trong các kỳ họp Quốc hội tới, sẽ áp dụng hàng loạt đổi mới.

Đổi mới có thể thực hiện ngay như đề xuất của Văn phòng Quốc hội là để tăng cường thông tin về hoạt động của Quốc hội đến với cử tri, nhân dân cả nước, ngoài những nội dung được phát thanh, truyền hình trực tiếp theo thông lệ, một số nội dung khác như đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tán thành cao việc truyền hình trực tiếp thêm nhiều nội dung của kỳ họp Quốc hội. Ông còn đề xuất thêm một số nội dung như các dự án Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng cần được truyền hình trực tiếp.

Các đổi mới lớn hơn thì đang tiếp tục bàn thảo. Chẳng hạn, đó là việc tiến hành chuẩn bị, các dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm, và các vấn đề quan trọng khác, trình tại hội nghị của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương bàn về các nội dung này. Để làm được điều này, các cơ quan của Quốc hội cần có kế hoạch chủ động tham gia ngay từ đầu với các cơ quan, tổ chức trình dự án để chuẩn bị.

Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 13 dự kiến sẽ diễn ra từ 21/5 đến 22/6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 13 dự án luật như Luật Giá, Luật Quảng cáo, Luật Biển Việt Nam..., cho ý kiến 7 dự luật. Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế được đưa ra trình cho ý kiến và nếu “suôn sẻ”, sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 4.