21:57 26/05/2009

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Được đóng thuế đã là hạnh phúc!

Minh Thúy

Nhiều đại biểu Quốc hội không nhất trí với đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân cho một số đối tượng

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến: Lỏng lẻo trong quản lý đất đai là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng, lãng phí.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến: Lỏng lẻo trong quản lý đất đai là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng, lãng phí.
Chiều 26/5, Quốc hội đã khép lại ngày đầu tiên thảo luận về kinh tế - xã hội, với đa số các vị đại biểu đều xin “nới” thời gian so với quy định (tối đa 7 phút).

Hầu hết các ý kiến ghi  nhận sự linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ đã giải quyết cơ bản những vấn đề căn cơ, cấp bách, bước đầu ngăn chặn có hiệu quả sự suy giảm của nền kinh tế.

Bội chi ngân sách, hiệu quả gói kích cầu, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, khai thác bauxite... là những nội dung lớn được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận sôi nổi trong ngày đầu tiên.  

Kích cầu hay cứu trợ?

Ngay phần đầu phiên thảo luận buối sáng, đại biểu Bùi Văn Tỉnh (Hòa Bình) cho rằng, thực chất khoản ngân sách 17 nghìn tỷ đồng bù lãi suất trước mắt đã cứu trợ cho doanh nghiệp, cứu trợ ngân hàng và tác động đến ổn định tài chính doanh nghiệp hơn là ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Ông cho rằng chính sách này có thể làm giảm hiệu lực chính sách tiền tệ. Hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận với chính sách nêu trên và càng không tạo ra việc làm mới.

Chính sách kích cầu đầu tư tiêu dùng của Chính phủ còn chậm đi vào cuộc sống là nhận xét của đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai). Theo ông, nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được với các nguồn vốn trung, dài hạn, được hỗ trợ lãi suất và đa số nông dân chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất để mua máy móc, thiết bị, vật tư để phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở ở nông thôn .

Mặt khác, theo đại biểu này nguồn vốn hỗ trợ lãi xuất của Chính phủ còn bình quân, chưa quan tâm đúng mức cho các ngành nghề, đối tượng khó khăn, mẫn cảm với tác động thị trường như công nghiệp, nông nghiệp, nông dân và dân nghèo. Các văn bản hướng dẫn thi hành chậm, thủ tục còn rườm rà làm cho người nông dân và doanh nghiệp chậm và khó tổ chức triển khai trong sản xuất và kinh doanh. Đây cũng là phản ánh của không ít đại biểu ở các địa phương từ Bắc đến Nam.

Lo ngại những tác động tiêu cực từ gói kích cầu “khổng lồ” trong điều kiện nền kinh tế nước ta cũng thể hiện trong nhiều ý kiến khác.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lo rằng các gói kích cầu để hỗ trợ doanh nghiệp nếu không được thiết kế cẩn thận thì có khả năng sẽ cứu trợ những doanh nghiệp quá yếu kém không đáng tồn tại mà bỏ quên những doanh nghiệp biết làm ăn nhưng đang tạm thời gặp những khó khăn do điều kiện khách quan. Như vậy sức mạnh của hệ thống doanh nghiệp không được cải thiện, thậm chí còn bị suy giảm.

Từ thực tế giám sát, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng kích cầu nếu không được thực hiện tốt sẽ tăng nguy cơ tham nhũng và tạo sự bất bình đẳng.

Các đại biểu kiến nghị Chính phủ nên công bố đầy đủ hơn thông tin về các gói kích cầu, tạo cơ hội cho công luận xã hội tham gia thảo luận góp ý kiến để hiến kế một cách rộng rãi, trước hết về việc thiết kế các gói kích cầu.

Từ đó, Chính phủ sẽ có nhiều căn cứ thực tế để xây dựng các gói kích cầu phù hợp với tình hình và yêu cầu đặt ra, đồng thời tạo cơ sở để nhân dân tham gia thực thi và giám sát các gói kích cầu một cách hiệu quả.

Được đóng thuế đã là hạnh phúc!

Dù Chính phủ kiên trì bảo lưu đề nghị miễn thuế cho một số đối tượng đến hết năm 2009 và hết 2010, song nhiều đại biểu không nhất trí và đề nghị từ ngày 1/7/2009 trở đi, tất cả các đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân phải nộp đủ theo quy định hiện hành.

Lý do đơn giản, theo đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) thì trong thời buổi suy thoái kinh tế này, có thu nhập cao đến mức được đóng thuế thu nhập đã là một hạnh phúc. “Nhiều người không được đóng, bản thân tôi gom góp hết lại cũng không đủ mức để đóng”, ông Xuân nói.

Theo phân tích của vị đại biểu này, sau khi trừ gia cảnh thì phải có thu nhập khoảng 10 triệu đồng trở lên mới phải đóng thuế, mà đóng 200 nghìn (theo đề xuất của Chính phủ) thì ý nghĩa gì đâu. Nhưng cho người nghèo 200 nghìn thì họ rất vui và họ có tiền mua những lương thực, thực phẩm thiết yếu rồi lại kích cầu cho địa phương.

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) và Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đều cho rằng không nên cào bằng trong việc miễn giảm thuế. Lý do khiến ông Lợi không đồng ý là miễn thuế thu nhập cá nhân cũng chỉ cho được vài chục vạn người và chắc gì họ đã tiêu dùng trong nước, mà thường tiêu dùng hàng ngoại.

Nhận xét việc sử dụng công cụ thuế tác động rất ít đến suy giảm kinh tế, đại biểu Bùi Văn Tỉnh nói việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân mang tính trợ cấp cho người có thu nhập cao.

Không nên quá lạc quan

Ghi nhận những nỗ lực trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, song một số vị đại biểu cho rằng không nên quá lạc quan mà cần nhìn nhận đúng tình hình để có quyết sách phù hợp.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phát biểu, nên thận trọng trong đánh giá về hiệu quả chống suy giảm kinh tế. Vì đã có rất  nhiều dự báo không chính xác trước những biến động khôn lường đang diễn ra.

“Tại kì họp trước, khi Quốc hội bàn về những chỉ tiêu phát triển kinh tế, tôi đã đưa ra quan điểm rằng rất khó xác định nên tránh định lượng một cách chủ quan, và y như rằng đến kì họp này Quốc hội lại phải bàn để hạ chỉ tiêu một lần nữa mà không biết có chính xác được hay không”, ông nói.

Theo đại biểu Vi Trọng Lễ, việc Chính phủ đưa ra các dự báo về tốc độ tăng trưởng vào quý 4 năm 2009 đạt từ 6,8 - 7,4% là chưa có căn cứ thuyết phục. Mức tăng trưởng GDP có nhiều khả năng không đạt 5%, có thể dừng lại ở mức 4- 4,5%.

Còn đại biểu Đặng Như Lợi đặt câu hỏi, tại sao 4 tháng đầu năm 2009  khu vực ngoài quốc doanh thì vẫn tăng 6,1%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%; còn doanh nghiệp Nhà nước lại âm 0,9%. “Báo cáo bằng lời của Chính phủ không đề cập đến vấn đề này, tôi không hiểu vì sao?".
.
Cho rằng “con bệnh” lạm phát đã được Chính phủ bắt đúng mạch và bốc đúng thuốc, song theo đai biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) thì “con bệnh” này nguy cơ tiềm ẩn còn rất lớn đối với nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Vị đại biểu này đề nghị Quốc hội nên đưa ra một chỉ tiêu tăng trưởng GDP có mức giới hạn xa là giảm từ 6,5% xuống còn từ 3 - 5%. Bởi vì trong báo cáo của Chính phủ chưa phân tích được đầy đủ những nguyên nhân, cũng như chưa nêu ra được những cơ sở khoa học, thực tiễn mà chỉ là dự báo về tốc độ tăng trưởng.

Sáng 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế -xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước trong những tháng đầu năm 2009.