15:56 27/11/2013

Quốc hội yêu cầu Chính phủ xử nghiêm vi phạm về thủy điện

Hoài Ngân

Quốc hội thông qua nghị quyết về quy hoạch tổng thể thủy điện, theo đó Chính phủ phải báo cáo hàng năm

Việc nhiều công trình thủy điện xả lũ gây hậu quả cho vùng hạ du thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận.<br>
Việc nhiều công trình thủy điện xả lũ gây hậu quả cho vùng hạ du thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận.<br>
Sáng 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về quy hoạch tổng thể thủy điện, trong đó nhấn mạnh đến việc hàng năm, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện nghị quyết này.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội... theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình sẽ giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Theo nghị quyết, Chính phủ phải “quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân trong quá trình chỉ đạo, điều hành; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ, củng cố lực lượng cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác công trình thủy điện”.

Nghị quyết cũng nêu rõ việc Quốc hội ghi việc rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện đã được Chính phủ triển khai nghiêm túc, đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.

Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện còn nhiều hạn chế.

Các hạn chế nêu trên “có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có trách nhiệm chỉ đạo của Chính phủ” và một số bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị có liên quan.

Để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện đúng quy định của pháp luật, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, các công trình thủy điện đang vận hành khai thác, bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân.

Trong năm 2014, phải tổ chức đánh giá tổng thể các đập, hồ chứa trong cả nước; có kế hoạch, giải pháp và bố trí đủ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa có nguy cơ gây mất an toàn; phấn đấu hoàn thành việc ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông còn lại; quy định cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du.

Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn đập, hồ chứa. Hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các công trình đập, hồ chứa, đặc biệt là về kháng chấn động đất; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn đối với một số công nghệ mới, tiên tiến để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.

Cũng trong năm 2014, phải tập trung hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thuỷ điện và việc ban hành chính sách ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai các đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư các dự án thủy điện. 

Trong phần biểu quyết, tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết là 450, bằng 90,36% so với tổng số đại biểu Quốc hội, trong đó số đại biểu Quốc hội tán thành là 443, bằng 88,96%; số không tán thành là 2, bằng 0,40% và số không biểu quyết là 5, bằng 1%.