18:46 19/04/2010

Quy định cụ thể tiêu chuẩn trọng tài viên trong luật

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉnh lý dự thảo Luật Trọng tài thương mại

Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc sau hơn 1 tuần làm việc.
Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc sau hơn 1 tuần làm việc.
Sáng 19/4, trước khi bế mạc phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến chỉnh lý dự thảo Luật Trọng tài thương mại.

Góp ý trong và sau kỳ họp Quốc hội thứ sáu, nhiều ý kiến tán thành với quy định cụ thể về tiêu chuẩn của trọng tài viên trong dự thảo luật, cũng có ý kiến đề nghị không nên.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc quy định cụ thể về tiêu chuẩn của trọng tài viên trong dự thảo Luật là cần thiết. Bởi vì, các quyết định của trọng tài viên là rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng trọng tài. Việc quy định tiêu chuẩn của trọng tài viên trong luật này là nhằm tăng thêm uy tín và độ tin cậy của khách hàng đối với trọng tài viên và các tổ chức trọng tài.

Hơn nữa, ở Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường trọng tài vẫn còn mới mẻ. Vì vậy trong giai đoạn hiện nay việc quy định tiêu chuẩn của trọng tài viên trong dự thảo luật nhằm bảo đảm cho các trung tâm trọng tài Việt Nam lựa chọn được những trọng tài viên có uy tín.

Theo quy định tại dự thảo luật, một trong những tiêu chuẩn của trọng tài viên là phải trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên. Trường hợp đặc biệt là các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu này cũng có thể được chọn làm trọng tài viên.

Dự  luật cũng quy định người đang là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, công chức thuộc toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án thì không được làm trọng tài viên.

Góp ý tiêu chuẩn trọng tài viên tạ phiên họp sáng nay, một số ý kiến  cho rằng ngoài tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, ngoại ngữ, trọng tài viên phải có trình độ cử nhân luật trở lên hoặc công tác trong các ngành tư pháp, bảo vệ pháp luật 4 năm trở lên. Cần có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng về luật để tránh xảy ra sai sót về thủ tục tố tụng trọng tài khi giải quyết tranh chấp, nhất là các tranh chấp về thương mại có yếu tố nước ngoài.

Điều kiện và thủ tục thành lập trung tâm trọng tài cũng được quy định chặt chẽ hơn tại dự thảo luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chủ động linh hoạt thì quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên để trung tâm trọng tài quy định.

Một số ý kiến đề nghị quy định hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu tòa án các cấp thực hiện các biện pháp ngăn chặn tạm thời, đồng thời bổ sung những nội dung cụ thể để bảo đảm các biện pháp đó được thực hiện nhanh chóng, kịp thời…

Bên cạnh nội dung trên, dự  thảo luật được trình Quốc hội tại kỳ họp tới cũng được chỉnh lý một số nội dung về xác định tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động của trọng tài; tòa án xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài...