08:24 05/06/2014

Quy hoạch sân bay: “Ngành hàng không dựa vào nhu cầu ảo”

Song Hà

Đại biểu Quốc hội cho rằng ngành hàng không đã dùng số liệu không chính xác để lập quy hoạch

Theo đại biểu Lê Văn Học, số liệu thực tế của sân bay Tân Sơn Nhất mỗi năm chỉ 
có 76.800 chuyến, trong khi số liệu mà đơn vị lập quy hoạch đưa ra để 
làm sân bay Long Thành hoặc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là 120.000 
chuyến mỗi năm, tức gấp 1,5 lần.
Theo đại biểu Lê Văn Học, số liệu thực tế của sân bay Tân Sơn Nhất mỗi năm chỉ có 76.800 chuyến, trong khi số liệu mà đơn vị lập quy hoạch đưa ra để làm sân bay Long Thành hoặc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là 120.000 chuyến mỗi năm, tức gấp 1,5 lần.
Ngành hàng không dân dụng và giao thông vận tải nếu dựa vào những nhu cầu ảo, dự báo thiếu chính xác và chưa tin cậy để làm quy hoạch sẽ gây lãng phí và hiệu quả thấp, tốn kém cho xã hội”.

Đó là nhận xét của đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Hàng không dân dụng sửa đổi, ngày 4/6.

Là đại biểu duy nhất trong số hơn 10 đại biểu đăng ký phát biểu lên tiếng về sự lãng phí ngay từ khi lập quy hoạch của ngành hàng không, ông Học cho biết, quy hoạch phát triển ngành hàng không đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt sẽ gồm 26 cảng hàng không, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế.

Hiện chúng ta đã và đang khai thác 21 cảng hàng không, trong đó có 7 cảng hàng không quốc tế. Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng cảng và sân bay giai đoạn 2011-2013 khoảng 28.650 tỷ đồng là một con số khổng lồ mà ngân sách nhà nước chi cho hàng không.

Thế nhưng, theo số liệu thực tế, hiện sân bay Tân Sơn Nhất mỗi năm chỉ có 76.800 chuyến, trong khi số liệu mà đơn vị lập quy hoạch đưa ra để làm sân bay Long Thành hoặc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là 120.000 chuyến mỗi năm, gấp 1,5 lần.

Theo ông Học, như vậy đến năm 2020 sân bay Tân Sơn Nhất chưa hề quá tải.

Ngoài ra, phải dựa vào một số tiêu chí khác để điều chỉnh quy hoạch hàng không, sân bay, ví dụ như vận tải hàng không có số lãi trên vốn đầu tư rất thấp, 10 năm qua thị trường vận tải hàng không quốc tế lỗ hơn 50 tỷ USD. Thị trường hàng không châu Á - Thái Bình Dương cũng chỉ phát triển dưới 10%/năm, do vậy lượng hành khách đi máy bay của Việt Nam chỉ khoảng 150 triệu lượt vào năm 2020.

Đại biểu Học cũng dẫn chứng thêm, trong thời gian qua báo chí và các nhà khoa học có rất nhiều ý kiến về quy hoạch cảng hàng không, có những sân bay cách nhau chỉ hơn 100 km, ví dụ từ sân bay Nội Bài đến sân bay Cát Bi, sân bay Thanh Hóa…

Đó là chưa kể đến xây dựng sân bay Long Thành tốn rất nhiều vốn, trong khi chúng ta đã có 4 sân bay quốc tế vệ tinh gần sân bay Tân Sơn Nhất hoặc sân bay Long Thành, đó là sân bay Cần Thơ, sân bay Cam Ranh, sân bay Phú Quốc và sân bay Đà Lạt.

“Hiện tại chưa cần mở rộng và tăng công suất thì khả năng của 4 sân bay này đã có thể đạt đến hơn 20 triệu lượt hành khách/năm đến năm 2020 và 2025”, ông Học nói.

Từ những phân tích trên, đại biểu Học cho rằng, “ngành hàng không dân dụng và giao thông vận tải nếu dựa vào những nhu cầu ảo, dự báo thiếu chính xác và chưa tin cậy để làm quy hoạch sẽ gây lãng phí và hiệu quả thấp, tốn kém cho xã hội”.

Đại biểu này đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch ngành hàng không thay cho quyết định năm 2009 và dự báo số lượng hành khách, hàng hóa qua các sân bay của Việt Nam vào năm 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 một cách chính xác.

Trong phần thảo luận còn lại, các đại biểu tập trung vào nội dung quy định các điều khoản liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, vấn đề đảm bảo quyền con người trong quá trình tham gia các chuyến bay khi dự luật quy định “cơ quan chức năng được quyền lục soát”, trách nhiệm của cơ quan chủ trì, đầu mối trong cứu nạn, cứu hộ, các quy định về nhà chức trách hàng không, mở đóng sân bay chuyên dùng…