11:40 23/04/2012

“Rất khó có gói kích cầu như năm 2009”

Quý Hiểu

Một gói kích cầu như năm 2009 sẽ làm méo mó thị trường cũng như rất nguy hiểm cho lạm phát những năm sau

Kinh tế trong nước còn nhiều rủi ro hiện hữu, mà lớn nhất là hệ thống ngân hàng (nợ xấu), tổng cầu trong nước giảm mạnh và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Huỳnh Phan.
Kinh tế trong nước còn nhiều rủi ro hiện hữu, mà lớn nhất là hệ thống ngân hàng (nợ xấu), tổng cầu trong nước giảm mạnh và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Huỳnh Phan.
Tại một hội thảo về kinh tế quý 1 vừa diễn ra cuối tuần qua, trong vai trò diễn giả chính, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển và Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành đều đưa ra thông điệp, kinh tế quý 1/2012 của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hai ông vẫn nhận định rằng, kinh tế trong nước còn nhiều rủi ro hiện hữu, mà lớn nhất là hệ thống ngân hàng (nợ xấu), tổng cầu trong nước giảm mạnh và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh này, có nên đặt ra khả năng về một kịch bản tương tự như năm 2009, là sự xuất hiện gói kích thích kinh tế của Chính phủ?

Trao đổi với VnEconomy, ông Trương Đình Tuyển nói: “Năm 2009 chúng ta có gói kích cầu, do thời điểm đó cực kỳ khó khăn. Còn năm nay có thể không có một gói như vậy”.

“Một gói kích cầu như năm 2009 vào lúc này sẽ làm méo mó thị trường, cũng như rất nguy hiểm cho lạm phát những năm sau. Nhưng chúng ta có thể có những biện pháp hỗ trợ thị trường”, ông Tuyển nói.

Cùng quan điểm này, ông Võ Trí Thành cho rằng năm nay “sẽ không có một gói kích thích kinh tế lớn, toàn diện, đầy đủ”.

Bốn lý do ngắn gọn được ông Thành đưa ra. Thứ nhất là Việt Nam đang thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Thứ hai, bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn đang rập rình dù kinh tế quý 1/2012 có một số chuyển biến tích cực. Thứ ba, Chính phủ không có đủ nguồn lực, cho dù được hỗ trợ mạnh mẽ từ dự trữ ngoại tệ gần 20 tỷ USD. Thứ tư, tình hình hiện nay khó khăn, nhưng khó khăn đó khác so với năm 2009.

“Nói như vậy không có nghĩa là không hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có nhiều giải pháp hỗ trợ sẽ được tuyên bố. Hy vọng trong cuộc họp của Chính phủ vào tháng 5 tới sẽ có nhiều giải pháp”, ông Thành nói, đồng thời đề xuất 4 giải pháp chính.

Giải pháp thứ nhất là hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Đó là tiếp cận tín dụng với lãi suất được giảm và tạo những điều kiện về mặt pháp lý để doanh nghiệp “gặp mặt” với ngân hàng. Như vậy, điều kiện tiếp cận quan trọng hơn lãi suất, trong đó có câu chuyện như khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, bảo lãnh tín dụng. Khoanh nợ và bảo lãnh tín dụng đang được đề bạt rất mạnh mẽ.

Thứ hai hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp là giảm chi phí, ví như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Thời điểm giảm thì chưa có, song  được biết hiện có hai phương án từ 25% xuống 20%, một quan điểm khác được cơ quan quản lý tài chính ủng hộ hơn là từ 25% xuống 23%.

Thứ ba là mở van tín dụng cho vay tiêu dùng, giảm thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ các chương trình nông nghiệp nông thôn (tương tự như năm 2009) với số tiền có thể không lớn vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng.

Giải pháp cuối cùng mà theo ông Thành là rất quan trọng, là xúc tiến thương mại. Nhiều thị trường nước ngoài đang phục hồi, có nhu cầu với hàng của Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... bên cạnh các thị trường truyền thống EU, và Hoa Kỳ.