09:44 17/05/2010

Sẽ điều chỉnh học phí theo chỉ số giá

Lý Hà

Từ năm học 2010-2011 trở đi, học phí sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm

Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, mức thu học phí thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học.
Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, mức thu học phí thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học.
Từ năm học 2010-2011 trở đi, học phí sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm.

Đó là một nội dung đáng chú ý trong nghị định quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí  học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011, vừa được Thủ tướng vừa ký ban hành.

Học phí cao nhất là 340 nghìn đồng/tháng

Theo nghị định, từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, mức học phí và chi phí học tập khác không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng.

Năm học 2010-2011, mức học phí cao nhất thuộc nhóm ngành y dược với mức thu là 340 nghìn đồng/tháng. Tiếp đến là nhóm ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn du lịch với mức là 310 nghìn đồng/tháng; thấp nhất là nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản với mức thu 290 nghìn đồng/tháng. Còn đối với mầm non và phổ thông, mức học phí cao nhất là 200 nghìn đồng/tháng, mức thấp nhất là 5 nghìn đồng/tháng.

Từ năm học 2010-2011 trở đi, học phí sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo. Và, căn cứ vào những quy định trên, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế  của địa phương mình

Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập, mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp của người dân. Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, mức thu học phí thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Còn cơ sở giáo dục công lập thực hiện chương trình chất lượng cao được thu học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo.

Với cơ sở giáo dục ngoài công lập được tự quyết định mức học phí. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục phải thông báo công khai mức học phí cho từng năm học (đối với giáo dục mầm non và phổ thông) và công khai cho từng năm học và dự kiến cả khóa học (đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học).

Cũng theo nghị định này, học phí đối với sơ cấp nghề và  dạy nghề thường xuyên được thu theo thỏa thuận với người học nghề. Học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 150% mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.

Học phí đào tạo theo tín chỉ được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành đào tạo và số tín chỉ đó theo công thức: Học phí = Tổng học phí toàn khóa chia cho Tổng số tín chỉ toàn khóa. Tổng học phí toàn khóa = Mức thu học phí 1 sinh viên/1 tháng x 10 tháng x Số năm học.

Ngoài ra, học phí của chương trình đào tạo chất lượng cao hay học phí đối với người nước ngoài ở các cơ sở giáo dục Việt Nam do các cơ sở giáo dục quyết định và phải công khai đến người học trước khi tuyển sinh.

Nhiều đối tượng miễn và giảm học phí

Nghị định cũng quy định rõ 9 đối tượng không phải đóng học phí. Đối với những học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại sẽ được giảm học phí ở mức 70%. Giảm 50% học phí gồm 3 đối tượng: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề.

Các trường hợp trẻ  em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có  cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hay mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; hay trường hợp có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước sẽ được hỗ trợ chi phí học tập. Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này với mức 70.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng khác... thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học.

Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định khi xảy ra thiên tai, tùy theo mức  độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc vùng bị thiên tai. Nhà nước thực hiện cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục trong các trường hợp đột xuất nêu trên.

Nghị định cũng ghi rõ, Nhà nước thực hiện cấp bù học phí  cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ  thông công lập có đối tượng được miễn, giảm học phí theo số lượng người học thực tế  và mức thu học phí. Cấp bù học phí (theo mức học phí của các trường công lập trong vùng) cho học sinh là con của người có công với nước, các đối tượng chính sách học mẫu giáo và phổ thông ngoài công lập. Cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập để các đối tượng này đóng học phí đầy đủ cho nhà trường.

Việc miễn, giảm học phí sẽ được thực hiện trong suốt thời gian học tập tại nhà trường, trừ trường hợp có  những thay đổi về lý do miễn hoặc giảm học phí.