11:34 27/10/2015

Sẽ giới hạn quyền phát biểu của đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội sửa đổi bản nội quy kỳ họp Quốc hội

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình Quốc hội sửa nội quy kỳ họp.<br>
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình Quốc hội sửa nội quy kỳ họp.<br>
Đây là một trong những quy định mới tại bản nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội sáng 27/10.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sẽ sửa đổi quyền của đại biểu Quốc hội bị đề nghị bãi nhiệm được phát biểu ý kiến tại phiên họp toàn thể trước khi Quốc hội quyết định bãi nhiệm cho phù hợp với điều kiện thực hiện trong thực tế.

Đó là giới hạn điều kiện thực hiện quyền này bằng cách quy định bổ sung trường hợp đại biểu bị đề nghị bãi nhiệm đang bị tạm giam theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và các trường hợp khác liên quan đến các vấn đề về chính trị, an ninh, quốc phòng của quốc gia,… thì Quốc hội sẽ xem xét, quyết định không thực hiện quyền này theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh nội dung trên, dự thảo nội quy kỳ họp còn có nhiều điểm mới đáng chú ý khác.

Như, bổ sung quy định thủ tục Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp thay cho thủ tục phát biểu nhậm chức và được tiến hành ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về bầu nhân sự.

Liên quan đến quy định về các phiên họp toàn thể của Quốc hội, ông Phúc cho biết có ý kiến cho rằng để góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật kỳ họp, khắc phục tình trạng vắng quá nhiều đại biểu, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng phiên họp cũng như kết quả biểu quyết, dự thảo nội quy nên bổ sung quy định về việc điểm danh bằng thẻ điện tử, công khai danh sách đại biểu vắng mặt.

Đồng thời cần bổ sung quy định tỷ lệ tối thiểu đại biểu có mặt (có ít nhất quá nửa hoặc 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội) là điều kiện bắt buộc để tiến hành phiên họp toàn thể.

Khi nội quy quỳ họp sửa đổi được thông qua thì từ kỳ họp liền sau đó, trong lễ chào cờ ở phiên khai mạc và bế mạc mỗi kỳ họp Quốc hội, các vị đại biểu phải hát Quốc ca.

Ban soạn thảo cũng cho biết, dự thảo nội quy còn bổ sung quy định về biện pháp áp dụng đối với một số hành vi không tuân thủ quy định về giữ gìn trật tự của các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật kỳ họp.

Theo dự thảo, các đại biểu không được sử dụng các ngôn ngữ hoặc cử chỉ xúc phạm các cá nhân khác tại phiên họp và cũng không được biểu quyết thay các đại biểu khác.

Chiều cùng ngày các vị đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự thảo nội quy kỳ họp.