12:06 20/12/2016

Siết visa công vụ “chưa từng có” ở Bộ Công Thương

Bạch Dương

Gần đây, một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương ra nước ngoài và mất liên lạc

Bộ Công Thương có cuộc tổng rà soát visa công vụ và việc đi nước ngoài của toàn ngành.<br>
Bộ Công Thương có cuộc tổng rà soát visa công vụ và việc đi nước ngoài của toàn ngành.<br>
Theo một nguồn tin của VnEconomy, Bộ Công Thương đã ban hành một văn bản rà soát kiểm tra visa công vụ trong toàn ngành, yêu cầu các đơn vị trong Bộ phải thường xuyên báo cáo về tình hình nhân sự.

Các cá nhân, đoàn công tác thuộc Bộ Công Thương khi đi công tác nước ngoài không chỉ báo cáo Bộ, mà còn phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn tin cho biết, các vị trí trong hội đồng thành viên các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ là những đơn vị sẽ được giám sát chặt chẽ.

Đặc biệt, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, đơn vị đang trong thời gian thanh tra, kiểm tra và đã có kết luận của thanh tra gây nhiều điều tiếng thời gian qua sẽ phải giám sát đặc biệt.

Nguồn tin cũng cho biết, việc rà soát visa công vụ là do nhiều bê bối nhân sự thuộc các tập đoàn, tổng công ty do Bộ Công Thương quản lý trong thời gian gần đây. Trước đó, các tập đoàn, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tự quản về vấn đề nhân sự.

Visa công vụ (hộ chiếu công vụ) chỉ được cấp cho những trường hợp ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước, Đảng hay tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương. Riêng các doanh nghiệp Nhà nước thì chỉ dành cho cán bộ từ cấp phòng trở lên và kế toán trưởng.

Cuộc rà soát trên được Bộ Công Thương triển khai sau khi ông Lê Chung Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) nghỉ phép 10 ngày và hết nghỉ phép không có mặt ở cơ quan. Sau nghỉ phép, ông Dũng làm đơn xin đi học MBA tại Singapore. PV Power không đồng ý và tìm mọi cách liên lạc để ông Dũng quay trở lại làm việc, nhưng bất thành.

Việc hàng loạt cán bộ Bộ Công Thương đi nước ngoài khi cơ quan chức năng đang điều tra các sai phạm có liên quan đến đơn vị mà họ từng công tác đã gây nhiều dư luận trái chiều. Ông Lê Chung Dũng được cho là có liên quan đến những sai phạm tại Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) thời ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch và ông Vũ Đức Thuận làm Tổng giám đốc. Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Thanh hiện cũng đang ở nước ngoài và bị cơ quan công an phát lệnh truy nã quốc tế.

Trước đó, sau khi hoàn toàn mất liên lạc với ông Vũ Đình Duy, Uỷ viên Hội đồng Thành viên của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Bộ Công Thương đã thành lập tổ công tác đặc biệt rà soát toàn bộ hộ chiếu, đi nước ngoài của các nhân sự trong Hội đồng Thành viên Vinachem. Đến nay, Bộ vẫn mất liên lạc với ông Vũ Đình Duy.

Ông Duy được cho là đã có nhiều liên quan đến sai phạm trong giai đoạn giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Xơ sợi Dầu khí (PVtex) từ năm 2009 - 2014. Nhà máy xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, nhưng đang thua lỗ. Thanh tra Chính phủ trước đó cũng công bố kết luận nhiều sai phạm tại dự án này.