06:51 27/05/2013

Sửa Hiến pháp, nhìn từ góp ý của dân

Nguyễn Lê

Tuần làm việc thứ hai của kỳ họp Quốc hội thứ 5 bắt đầu với các phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Nhiều ý kiến cho rằng, với việc thay đổi nhiều chương mục, sửa đổi, 
bổ sung 102 điều và thêm 11 điều mới, tức là sửa cơ bản Hiến pháp năm 
1992 (sửa đổi năm 2001), nên đặt tên mới là Hiến pháp năm 2013 (hoặc năm
 2014) tuỳ theo thời điểm công bố, không nên đặt tên là Hiến pháp năm 
1992 (sửa đổi năm 2013).
Nhiều ý kiến cho rằng, với việc thay đổi nhiều chương mục, sửa đổi, bổ sung 102 điều và thêm 11 điều mới, tức là sửa cơ bản Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), nên đặt tên mới là Hiến pháp năm 2013 (hoặc năm 2014) tuỳ theo thời điểm công bố, không nên đặt tên là Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Các phiên thảo luận tổ cả ngày thứ Hai (27/5) về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ bắt đầu tuần làm việc thứ hai của kỳ họp Quốc hội thứ 5.

Trước đó, trong ngày đầu tiên của kỳ họp, bản dự thảo mới nhất sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân đã được trình bày trước Quốc hội trong phiên họp được truyền hình trực tiếp.

Ngay sau đó, một loạt báo cáo dày hàng trăm trang từ Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước... tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân, đã được cung cấp cho các vị đại biểu.

Cần tên mới cho Hiến pháp

Theo đánh giá của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Viêt Nam tại bản tổng hợp góp ý dài 101 trang, đại đa số các ý kiến góp ý dù góc độ tiếp cận và quan điểm có khác nhau nhưng với  tinh thần xây dựng, đoàn kết và mong muốn bản Hiến pháp này phải phản ánh được sâu sắc ý chí và nguyện vọng của nhân dân, góp phần xây dựng một bản Hiến pháp chất lượng, khoa học, mang tính nhân dân, phù hợp tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, với việc thay đổi nhiều chương mục, sửa đổi, bổ sung 102 điều và thêm 11 điều mới, tức là sửa cơ bản Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), nên đặt tên mới là Hiến pháp năm 2013 (hoặc năm 2014) tuỳ theo thời điểm công bố, không nên đặt tên là Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Ở lời nói đầu, trong các góp ý cụ thể có đề nghị thay cụm từ “thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước” bằng cụm từ “thể chế hóa đường lối xây dựng đất nước” vì hiểu theo cách viết đoạn này thì Cương lĩnh cao hơn Hiến pháp.

Góp ý vào điều 70 ở chương Bảo vệ tổ quốc, nhiều ý kiến đề nghị nên sắp xếp thứ tự như sau: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng Đảng vẫn phải hoạt động tuân thủ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, lợi ích của Tổ quốc phải đặt trên lợi ích của Đảng, báo cáo giải thích lý do đề nghị đưa “Tổ quốc” lên trước “Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới nhất, điều 70 đã được thể hiện lại: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân…”.

Quyền lập hiến thuộc về nhân dân

Chương Quốc hội cũng nhận được nhiều ý kiến đề nghị chỉnh sửa. Dự thảo quy định “Quốc hội cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Đa số ý kiến được tổng hợp cho rằng, về bản chất chế độ, chủ quyền nhân dân là tối cao, cho nên quyền lực nhân dân là cao nhất. Xét dưới góc độ tư duy logic thì không thể trong một chỉnh thể, một chính thể lại có hai chủ thể cao nhất.

Nhưng điều quan trọng hơn, nếu quy định Quốc hội là “cơ quan quyền lực cao nhất” sẽ mâu thuẫn với linh hồn của điều 2 (tất cả mọi quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân), báo cáo nêu rõ.

Vẫn theo tổng hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nhiều ý kiến đề nghị phải bỏ đoạn 2, điều 74 dự thảo là “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến”. Theo đó, quyền lập hiến thuộc về nhân dân và Quốc hội cũng không thể có quyền giám sát tối cao, mà quyền giám sát tối cao thuộc về nhân dân, Quốc hội chỉ có quyền giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Tại báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân đã trình bày trước Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, “quy định Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp là hợp lý”.

Hợp nhất chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư

Góp ý chung ở chương Chủ tịch nước, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Hiến pháp lần này cần quy định tăng quyền cho Chủ tịch nước, là thời điểm chín muồi để hợp nhất chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư, sắp xếp bổ sung để làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Đa số trong 82.011 ý kiến góp ý ở điều 92, theo báo cáo, đề nghị thay đổi phương thức bầu Chủ tịch nước theo hướng “Chủ tịch nước do nhân dân bầu trực tiếp trong số đại biểu Quốc hội”. Bởi, quy định như vậy mới thể hiện được tính độc lập và thể hiện quyền lực của Chủ tịch nước mạnh hơn.

Với điều 93, đa số ý kiến đề nghị cần làm rõ và đề cao thực quyền của Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước. Việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước phải xứng với vị trí của nguyên thủ quốc gia.

Cần quy định cụ thể, rõ hơn về các quyền của Chủ tịch nước đối với Chính phủ như quyền giám sát của Chủ tịch nước đối với Thủ tướng Chính phủ vì Thủ tướng là do Chủ tịch nước giới thiệu để Quốc hội bầu.

Mặt trận Tổ quốc cũng phản ánh nhiều ý kiến đề nghị các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, bổ sung nội dung tuyện thệ trước nhân dân, trước Quốc hội về việc trung thành Hiến pháp, trung thành với đất nước, với nhân dân và quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân.

Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến nhân dân, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bổ sung trình Quốc hội quy định về việc tuyên thệ khi nhậm chức của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết.

Sau hai phiên thảo luận tổ ngày 27/5, liền hai ngày 3 và 4/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nội dung này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.