19:31 12/11/2015

“Sửa một điều của Hiến pháp vẫn phải lấy ý kiến toàn dân”

Nguyên Vũ

Nếu kết quả trưng cầu ý dân mâu thuẫn với pháp luật quốc gia thì sẽ thế nào?

Đề nghị được đại biểu Nguyễn Anh Sơn đưa ra là: chỉ quy định cuộc trưng cầu ý dân là hợp lệ và nội dung trưng cầu ý dân có giá trị thi hành khi được quá nửa số cử tri trong danh sách tán thành. <br>
Đề nghị được đại biểu Nguyễn Anh Sơn đưa ra là: chỉ quy định cuộc trưng cầu ý dân là hợp lệ và nội dung trưng cầu ý dân có giá trị thi hành khi được quá nửa số cử tri trong danh sách tán thành. <br>
Khi đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp, thì dù là một số điều khoản vẫn phải lấy ý kiến của toàn dân, đại biểu Võ Thị Dung (Tp.HCM) đề nghị như vậy tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, ngày 12/11 tại Quốc hội.

Điều 6 dự thảo luật quy định Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp.

Theo đại biểu Dung thì đối với tất cả các nội dung trong Hiến pháp, không thể nói nội dung nào quan trọng hơn nội dung nào.

Do đó, đại biểu Dung đề nghị nên sửa lại theo  hướng toàn văn Hiến pháp, hoặc sửa đổi một số điều khoản của Hiến pháp, tức là khi đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp thì dù là một số điều khoản vẫn lấy ý kiến của toàn dân.

“Trước đây Quốc hội chưa ban hành Luật Trưng cầu ý dân, nếu luật này có hiệu lực thì tôi đề nghị đối với Hiến pháp cần phải lấy ý kiến của toàn dân”, bà Dung phát biểu.

Liên quan đến kết quả trưng cầu ý dân, dự thảo luật quy định cuộc trưng cầu dân ý hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách đi bỏ phiếu và nội dung trưng cầu dân ý phải được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành thì có giá trị thi hành.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn thì trên thế giới bây giờ, chẳng có nước nào dám mong có một cuộc bầu cử, cuộc trưng cầu ý dân mà lại đạt được tới 75% .

Vì thế, đề nghị được đại biểu Sơn đưa ra là: chỉ quy định cuộc trưng cầu ý dân là hợp lệ và nội dung trưng cầu ý dân có giá trị thi hành khi được quá nửa số cử tri trong danh sách tán thành.

Hiệu lực kết quả trưng cầu ý dân cũng là điều được nhiều vị quan tâm thảo luận.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị ghi rõ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị pháp lý đặc biệt.

 Bởi vì trưng cầu dân ý là việc nhân dân quyết định, cao hơn các quyết định của Quốc hội nhưng kết quả lại thể hiện trong nghị quyết, không phải trong luật, nên phải xác định như vậy.

“Nếu coi giá trị của nó như một nghị quyết thì không được, phải thêm chữ "có giá trị pháp lý đặc biệt" vào và cũng phải đặt ra là Quốc hội không đủ thẩm quyền thay đổi quyết định này”, ông Hùng nhấn mạnh.

Lường trước là trong quá trình triển khai thực hiện vấn đề mà dân đã quyết định rồi, nhưng do tình hình khách quan thay đổi, có thể chúng phải xem xét lại, sửa đổi lại những vấn đề mà dân đã quyết thì theo đại biểu Hùng chắc chắn phải trưng cầu ý kiến dân lại để sửa, chứ Quốc hội không sửa được.

Cũng bàn về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phân tích, những vấn đề quyết định trưng cầu ý dân đều là những vấn đề có tính định hướng lớn, quan trọng của đất nước. Nếu kết quả trưng cầu ý dân có hiệu lực, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định kết quả trưng cầu ý dân có vị trí như thế nào so với hệ thống pháp luật của quốc gia?

Ông Vinh cũng đặt vấn đề là trong trường hợp kết quả trưng cầu ý dân chưa phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn với hệ thống pháp luật quốc gia, hiệu lực của kết quả này được thực hiện như thế nào?

Đại  biểu Vinh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung những quy định cần thiết để làm rõ vị trí, vai trò, hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân có hiệu lực.