13:14 17/12/2011

“Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước là khó khăn nhất”

Lê Hường

Nếu doanh nghiệp nhà nước cũng đi làm kinh doanh, cũng cạnh tranh bình đẳng thì hãy để họ là doanh nghiệp bình thường

Nhiều ý kiến cho rằng, quan điểm tái cơ cấu nền kinh tế còn luẩn quẩn, nhất là về vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, quan điểm tái cơ cấu nền kinh tế còn luẩn quẩn, nhất là về vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, trong tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước được xác định là khó khăn nhất cho dù đó là doanh nghiệp ngân hàng hay phi ngân hàng.

Trong khi đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mới là loại “tái cấu trúc kinh khủng” bởi lẽ phải tái cấu trúc giữa một bên là Nhà nước, một bên là thị trường nên sức chi phối của nhóm lợi ích là rất lớn.

Tại cuộc hội thảo tái cơ cấu kinh tế ngày 16/12, nhiều ý kiến cho rằng điểm thuận lợi dễ thấy nhất hiện nay của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế là sự nhất trí cao giữa các cấp, các ngành. Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc vẫn còn luẩn quẩn về các quan điểm, đặc biệt chưa đồng nhất ý kiến về vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.

Theo phân tích của ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dự báo kinh tế-xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), về đầu tư công, điểm “nổi cộm” nhất trong cơ chế điều hành hiện nay là chưa quy trách nhiệm cá nhân trong khi luật đã quy định rõ.

Bên cạnh đó, chính sách đầu tư chưa chú ý đến công tác quy hoạch. Do đó, đổi mới cách quy hoạch là một trong những đề xuất được vị chuyên gia này đưa ra. Đồng thời, ông Ân cũng nhấn mạnh, trước khi làm tái cấu trúc cần phải chỉ rõ định hướng về mô hình kinh tế với chiều sâu và chiều rộng cụ thể, “nếu không định hướng sẽ rất khó thực hiện”.

Đồng tình với quan điểm phải có định hướng rồi mới làm, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng cho rằng quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã diễn ra từ nhiều năm qua.

Vị Bộ trưởng này tiếp tục nhấn mạnh quan điểm chức năng của Nhà nước là điều tiết vĩ mô kinh tế thông qua sử dụng các công cụ điều tiết, trong đó, công cụ quan trọng là doanh nghiệp nhà nước và xu hướng lâu dài là Nhà nước giảm điều hành quá trình kinh tế cụ thể, tập trung thực hiện chức năng ổn định, kinh tế vĩ mô, bảo đảm dịch vụ công.

Đáng chú ý, quan điểm này được đưa ra sau một thời gian Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp lấy ý kiến các chuyên gia để xây dựng Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã nêu ý kiến việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước phải bắt đầu từ việc định vị vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế. Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá đã nêu rất rõ: “Cái gì Nhà nước làm tốt thì để Nhà nước làm, tư nhân làm tốt thì để tư nhân làm và phải tái cơ cấu hai đầu theo hướng không đẻ ra doanh nghiệp mới trong khi xử lý những doanh nghiệp không hiệu quả”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng thống nhất  phải rạch ròi giữa chức năng công ích và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

TS.Vũ Đình Ánh nói nếu doanh nghiệp nhà nước cũng đi làm kinh doanh, cũng cạnh tranh bình đẳng thì hãy để họ là doanh nghiệp bình thường, việc gì phải là doanh nghiệp nhà nước.

Cũng theo ông Ánh, trong khi các bộ đầu ngành đều thống nhất là phải kết hợp tái cơ cấu đầu tư công với tái cơ cấu ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhưng chưa có gì để làm. “Xuyên suốt chương trình tái cấu trúc đều nêu rõ 3 mũi nhọn tái cấu trúc nhưng chưa rõ dựa trên cái gì để tái cơ cấu và chưa xác định được Nhà nước làm gì trong nền kinh tế thị trường kiểu Việt Nam”, ông Ánh nói.

Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, dư nợ tín dụng hiện chiếm 116% GDP, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng bằng 244% GDP.

Ông Bình cũng nhận định với cách hoạt động hiện nay, hệ thống ngân hàng không còn là thị trường tiền tệ mà vừa là thị trường vốn vừa là thị trường tiền tệ. Do đó, cần phải tái cơ cấu hệ thống này theo hướng nâng cao sức cạnh tranh và chịu đựng của ngân hàng.

“Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với một bên là Nhà nước và một bên là thị trường, do đó, căng thẳng nhóm lợi ích sẽ xuất hiện. Vì vậy, đây mới là “tái” kinh khủng chứ không như tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước”, ông Bình nói.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh, xuyên suốt quá trình cải cách, đổi mới doanh nghiệp nhà nước từ trước đến nay và nhiệm vụ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải quán triệt sáu quan điểm chính.

Thứ nhất, chức năng của Nhà nước là điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua sử dụng các công cụ điều tiết trong đó có công cụ quan trọng là doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, tái cấu trúc không phải là hạn chế, làm giảm vai trò mà phải làm cho doanh nghiệp nhà nước mạnh hơn, thực sự trở thành nòng cốt của kinh tế nhà nước, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình tái cấu trúc phải quán triệt thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng.

Thứ ba, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện trên cả phương diện vĩ mô và vi mô.

Thứ tư, thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trên 5 phương diện chủ yếu là ngành nghề, tài chính, quản trị doanh nghiệp, quản lý nhà nước, hệ thống pháp luật. Đồng thời, thực hiện tái cấu trúc theo thực thể. Kiên quyết thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý theo nguyên tắc giảm về số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Thứ năm, đổi mới triệt để hệ thống nông, lâm trường quốc doanh.

Thứ sáu, kiên định mục tiêu mềm dẻo trong hình thức và phương thức tổ chức thực hiện, không tuyệt đối hóa, duy ý chí, không sử dụng mệnh lệnh hành chính trong quá trình tái cấu trúc trong bán, giải thể, sáp nhập, phá sản và thành lập mới doanh nghiệp nhà nước.