10:13 16/11/2009

Tại sao Chánh án không trả lời?

Nguyễn Lê

Nhiều đại biểu Quốc hội "phàn nàn" vì không nhận được hồi âm của Tòa án Nhân dân Tối cao

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình.
Tại sao để quá chậm, tại sao chưa phúc đáp, tại sao gần hai năm chưa có ý kiến… là câu hỏi được nêu ra tại nhiều chất vấn gửi đến Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu.

Những câu hỏi này rất khác với các câu hỏi tại sao lại như vậy, giải pháp như thế nào… của hơn 200 chất vấn khác, dành cho các vị bộ trưởng và trưởng ngành khác.

Theo danh sách đã được Quốc hội quyết định, cũng  như kỳ họp trước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ không trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường. Mặc dù, kỳ này, số chất vấn bằng văn bản gửi đến đã cao gấp hơn 4 lần kỳ họp trước (9 chất vấn). Và, một điều đáng nói, tại kỳ họp trước, cả hai đại biểu gửi chất vấn đến Chánh án cũng cũng đều nêu rõ trong chất vấn là  “không được Chánh án trả lời”.

Còn kỳ này, đại biểu Hoàng Văn Lợi nêu ví dụ, ngày 31/3/2008, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã chuyển đơn của công dân Đinh Thị Hòa đến Chánh án. Ngày 29/7/2009, đoàn có công văn số 472 đôn đốc giải quyết đơn của bà Hòa. Song, công văn này vẫn chưa có hồi âm của Chánh án.

"Tại sao lại để quá chậm như vậy, việc quan tâm đến công tác giải quyết đơn của ông Chánh án như thế nào?", đại biểu Lợi không giấu được sự sốt ruột.

Tương tự, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thụy cho biết, đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định đã có nhiều văn bản đề nghị Chánh án tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án dân sự phúc thẩm số 179/DSPT liên quan đến bà Nguyễn Thị Triêm. Tuy nhiên gần hai năm nay Tòa án Nhân dân Tối cao không có ý kiến trả lời nên bà Triêm liên tục đến nhiều cơ quan của tỉnh để kêu oan, gây mất trật tự ở địa phương.

Đại biểu Vũ Hồng Anh cũng cho biết đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã có công văn đôn đốc hai lần về việc giải quyết đơn của công dân Nguyễn Thị Thu Bích, mặc dù tòa đã tiếp nhận đơn từ ngày 11/3/2008. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời từ phía Tòa án nhân dân tối cao.

Nêu sự việc công dân gửi đơn kháng nghị cho Tòa án Nhân dân Tối cao từ ngày 16/1/2009, đến tháng 8 đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng lại có công văn nhưng đều “chưa hề nhận được sự trả lời của quý tòa”, đại biểu Triệu Sỹ Lầu đề nghị “ông Chánh án cho biết lý do tại sao lâu như vậy mà không có sự phúc đáp cho công dân".

Tại kỳ họp thứ năm, trả lời phỏng vấn VnEconomy, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, đại biểu Lê Văn Cuông cho biết ông đã nhận được nhiều đơn không chỉ của cử tri ở Thanh Hóa mà còn ở nhiều tỉnh khác. Bởi họ rất tin nếu đại biểu tác động thì có thể các cơ quan có trách nhiệm sẽ giải quyết vụ việc của họ, chứ  họ tự gửi bao nhiêu năm nay chả có ý kiến gì.

Đại biểu Cuông cũng nói “mình đâu có thẩm quyền giải quyết, chỉ có thể chuyển đơn thôi. Song không ít trường hợp mình gửi đi người ta không thèm trả lời, đôn đốc nhắc nhở cũng không trả lời, cuối cùng là phải ra Quốc hội chất vấn thì bắt buộc phải trả lời, phải giải quyết”.

Thực tế, nhiều đơn công dân chuyển đến, đoàn đại biểu Quốc hội có công văn đôn đốc, và ông Chánh án chưa có trả lời. Song kỳ trước và cả kỳ này ông Chánh án đều không trực tiếp trả lời chất vấn. Vậy có thể “bắt buộc phải trả lời, phải giải quyết” như lời đại biểu Cuông.
 
Mà, nói như đại biểu Vũ Quang Hải, thì “giải quyết khiếu nại tố cáo thì có thời hiệu, song nỗi oan của công dân thì không có thời hiệu”.