15:21 19/05/2010

Tăng trưởng 5 năm tới: Mục tiêu 8,5% là “chấp nhận được”?

Anh Quân

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tham vọng tăng trưởng nhanh có thể không xung đột với phát triển bền vững

Trong ba giai đoạn 5 năm trước 2011-2015, con số tăng trưởng GDP lần lượt chỉ đạt 7%, 7,5% và khoảng 7%.
Trong ba giai đoạn 5 năm trước 2011-2015, con số tăng trưởng GDP lần lượt chỉ đạt 7%, 7,5% và khoảng 7%.
“Đầy tham vọng” là cụm từ được đại diện nhiều nhà tài trợ, tổ chức quốc tế và chuyên gia trong nước dành cho bản dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm tới, từ 2011-2015, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo.

Theo nhìn nhận của 23 ý kiến đóng góp vào bản dự thảo, chỉ tiêu tăng trưởng GDP trung bình từ 7,5 - 8,5% trong giai đoạn 5 năm tới mà dự thảo đặt ra là khá cao, nếu so với ba giai đoạn 5 năm trước đó, con số tương ứng lần lượt chỉ đạt 7%, 7,5% và khoảng 7%.

Thế nào là bền vững?

Nếu so với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 7-8% trong bản dự thảo lần 1, được đưa ra thảo luận vào cuối năm ngoái, mục tiêu đặt ra lần này đã cao hơn. Trước mức tăng trưởng đầy tham vọng này, một số quan điểm cẩn trọng đang hướng về phân tích rằng, dường như đang có những xung đột giữa mục tiêu tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, ổn định?

Đại diện phía cơ quan soạn thảo chiến lược 5 năm tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, mức tăng trưởng GDP như kế hoạch đề ra không phải là cao, và “việc dừng ở 7,5 - 8,5% là chấp nhận được để phát triển bền vững”.

Đặt vấn đề ngược lại cho những ai còn hoài nghi tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Sinh lập luận: “Không có nghĩa tăng trưởng 3 - 4% mới là ổn định”.

Trong khi nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ, chúng ta có điều kiện để tăng trưởng cao, và mức như dự thảo là vừa phải, ông Sinh giải thích như vậy.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, mục tiêu đặt ra 9 - 10% tăng trưởng GDP bình quân mới “đáng” gọi là cao, bởi vì, với các tỉnh của Việt Nam, chỉ cần một nhà máy công nghiệp lớn đầu tư vào thì cục diện phát triển kinh tế địa phương này đã có thể thay đổi nhanh chóng.

Ổn định để phát triển nhanh hơn, đồng thời tăng trưởng nhanh sẽ tạo nguồn lực để hỗ trợ phát triển bền vững, đặc biệt là công nghệ cao và nguồn nhân lực có trình độ, Thứ trưởng Sinh khẳng định.

Câu hỏi về nguồn lực

Một con số khác cũng thu hút khá nhiều ý kiến quan tâm. Tổng đầu tư toàn xã hội giai đoạn 5 năm tới được xác định vào khoảng 6.340.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 300 tỷ USD. So sánh sơ bộ, con số này gấp hơn 3 lần tổng giá trị sản phẩm toàn nền kinh tế thời điểm hiện nay.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Mekong Economics, ông Adam McCarty bình luận rằng, dường như kế hoạch phát triển của Việt Nam giai đoạn tới vẫn đang nhấn mạnh vào số lượng vốn đầu tư, hơn là chất lượng đầu tư, khi bản kế hoạch này đặt mục tiêu thu hút tối đa nguồn vốn cho phát triển.

“Nếu lo ngại bẫy thu nhập trung bình thì vốn đầu tư không phải là vấn đề, mà là chất lượng đầu tư”, ông này nhấn mạnh.

Hiện tại, với tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng thấp của các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) và lao động, hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP - PV) cao tiếp tục thể hiện chất lượng đầu tư thấp.

Giải thích về việc này, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Bùi Hà cho rằng, chất lượng đầu tư chưa cao, hệ số ICOR tăng trong thời gian gần đây có phần do chính sách đầu tư đồng đều các vùng miền của Chính phủ.

“Thời gian vừa qua, Chính phủ đã đầu tư nhiều cho khu vực Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc… Dù đầu tư lớn nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Tuy nhiên, mục tiêu xã hội lại đạt được, và sự ổn định xã hội có được cũng một phần nhờ chính sách đầu tư này”, ông Hà nói.

Rủi ro từ tham vọng?

Nhìn từ thực tế con số, bản kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có điều chỉnh tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước so với giai đoạn 5 năm trước, bình quân khoảng 25,1 - 25,4% GDP, thấp hơn so với con số của thời kỳ 5 năm 2006 - 2010, ước thực hiện vào khoảng 27,7% (kế hoạch trước đó là 21 - 22% GDP).

Vấn đề đặt ra là với nền kinh tế hướng đến xuất khẩu nhưng sản xuất mới dừng ở mức gia công và lợi nhuận ngày càng thấp, tỷ lệ này có là quá cao, đặc biệt, tương quan này đang được đặt trong bối cảnh chi phí vốn, lao động và nguyên, nhiên liệu tăng mạnh? Và, quan điểm nuôi dưỡng nguồn thu có vì con số “chốt” kế hoạch mà buộc phải thay đổi, gây bất lợi cho hoạt động doanh nghiệp?

Ở một góc độ khác, huy động vào ngân sách dù tăng khá cao trong mấy năm gần đây, nhưng mới chỉ đủ bù đắp chi thường xuyên. Tỷ trọng đầu tư phát triển 5 năm tới được xác định vào khoảng 41,1 - 41,5% GDP có thể phải trông chờ vào vay nợ trong và ngoài nước, với lãi suất thị trường hơn. Điều này dẫn tới những lo ngại về gia tăng nợ nước ngoài, nợ Chính phủ và tính ổn định an ninh tài chính quốc gia.

Trước những lo ngại về nợ nước ngoài, nợ Chính phủ có thể vượt ngưỡng an toàn trong giai đoạn 5 năm tới, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia, Thứ trưởng Sinh cho biết, bộ này cũng đang nghiên cứu tỷ lệ nợ nào là an toàn cho tài chính quốc gia trong bối cảnh hiện nay. “Liệu nợ Chính phủ dưới 60% hay 70% GDP mới là an toàn, hay phải thấp hơn 50%?”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt vấn đề.

Làm rõ thêm phần này trong kế hoạch phát triển 5 năm tới, theo Thứ trưởng Sinh, không thể chờ “tích cóp” đủ tiền mới đầu tư, mà phải vay để có ngay công trình cơ sở hạ tầng, để giảm ách tắc trong phát triển hiện nay.

“Tôi nghĩ rằng, vay nợ và trả được là quan trọng nhất, không trả được nợ mới tạo rủi ro. Hơn nữa, các đối tác thấy mình trả được mới cho vay”, ông Sinh nói.