18:45 06/02/2012

Tết làm “méo” bức tranh kinh tế tháng 1

Anh Quân

Những chỉ tiêu kinh tế của tháng 1/2012 có phải là diễn biến đáng lo ngại?

Nếu trừ đi các ngày nghỉ Tết Dương lịch 2012 và Tết Nhâm Thìn, thực tế số ngày làm việc trong tháng 1 năm nay chỉ dưới 20 ngày - Ảnh: Getty.
Nếu trừ đi các ngày nghỉ Tết Dương lịch 2012 và Tết Nhâm Thìn, thực tế số ngày làm việc trong tháng 1 năm nay chỉ dưới 20 ngày - Ảnh: Getty.
Tháng 1/2012, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,4% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tương ứng chỉ bằng khoảng 88,9% và nhập khẩu là 81,3%; thu hút FDI bằng 2,5%...

Trái với những gam màu xám trong nhiều chỉ tiêu kinh tế, cảm nhận của doanh nghiệp dường như không quá u ám.

Kết quả cuộc khảo sát lần thứ sáu về chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu hàng quý do EuroCham thực hiện vào tháng 1 năm 2012 công bố mới đây cho thấy mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã ổn định, tăng khoảng 4 điểm so với quý trước đó. Như vậy, chỉ số này đã thoát đáy 52 điểm của quý 4/2011, sau khi có tới 3 quý liên tiếp trước đó liên tục sụt giảm.

Nguyên nhân do... Tết

Với kỳ nghỉ đến 9 ngày, trong khi Tết âm lịch năm nay diễn ra sớm hơn năm trước 1 tháng, nhiều cơ quan công bố thông tin của Chính phủ và các bộ đều có chung lưu ý rằng, những chỉ tiêu kinh tế của tháng 1/2012 không phải là diễn biến đáng lo ngại.

Nếu trừ đi các ngày nghỉ Tết Dương lịch 2012 và Tết Nhâm Thìn, thực tế số ngày làm việc trong tháng 1 năm nay chỉ dưới 20 ngày. Điều này đã được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhiều lần trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1, vừa diễn ra hôm 4/2.

Chẳng hạn như với lĩnh vực xuất nhập khẩu, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại - dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Lê Thị Minh Thủy khi trao đổi với VnEconomy gần đây cho biết, do số liệu thống kê được tổng hợp từ giấy phép thông quan nên số ngày làm việc ít hơn đã kéo giảm đáng kể kim ngạch ngoại thương trong tháng 1/2012.

Hay ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, vừa chịu ảnh hưởng của số ngày làm việc giảm, vừa đứng trước tình hình tồn kho đã cao từ trước, trong giai đoạn cân đối lại dòng tiền để thanh toán lương, thưởng Tết và giải quyết nợ với ngân hàng, đối tác thì sản xuất có mức giảm thấp như trên chưa phải là đã quá bi quan.

Với thu hút vốn FDI giảm nghiêm trọng trong tháng 1, một nguyên nhân khác, theo Bộ trưởng Đam, là do “tâm lý phương Đông”. Vào năm ngoái, số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong tháng trước Tết âm lịch cũng sụt giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 188 triệu USD, nhưng ngay sau đó, con số vượt lên gần đạt 1,4 tỷ USD trong tháng sau Tết.

Cho nên sang đầu năm nay, dù là số vốn đăng ký trong tháng 1 giảm rất mạnh, chỉ đạt hơn 37 triệu USD nhưng nhiều dự án lớn đã đồng loại được đăng ký ngay trong những ngày đầu năm mới, phần nào chứng minh “tâm lý phương Đông” như quan điểm của ông Đam.

Thực tế cho thấy ngay đầu tháng 2/2012, đã có một số dự án lớn được cấp phép như dự án nhà máy sản xuất lốp xe của Bridgestone với vốn đầu tư trên 575 triệu USD.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xuất hiện trên một số tờ báo cho biết, trong tháng 2 và các tháng tiếp theo, một số dự án với quy mô vốn lớn dự kiến được cấp phép, như dự án sản xuất thiết bị y tế (đầu tư vào Hải Phòng) có vốn đầu tư 200 triệu USD, dự án trung tâm mua sắm AEON (Bình Dương) với tổng vốn đầu tư 95 triệu USD, dự án trung tâm thương mại do Lotte Việt Nam vốn 31 triệu USD...

Cân đối vĩ mô vẫn ổn định

Nhưng đáng chú ý hơn là các cân đối vĩ mô lớn tiếp tục khả quan. Lạm phát theo tháng vào tháng 1/2012 chỉ tăng 1%, Bộ trưởng Đam nhấn mạnh rằng đây là mức tăng rất thấp nếu so với các tháng tương ứng nhiều năm trước đây.

Đáng chú ý là tổng mức bán lẻ của tháng 1 năm nay chỉ tăng khoảng 4% so với cùng kỳ, trong khi năm ngoái là 8,7%, Bộ trưởng Đam giải thích rằng, có nguyên nhân là do đời sống người dân đã khá lên, chi tiêu không tập trung mạnh vào dịp Tết Nguyên đán.

Nên cũng từ nhìn nhận này, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Trần Thị Hồng khẳng định rằng chính sách tiền tệ không tác động lớn cầu tiêu dùng và tác động đến lạm phát tháng 1, do việc cung thêm tiền vào hệ thống của Ngân hàng Nhà nước chỉ tập trung vào các kỳ hạn ngắn 7 và 14 ngày.

“Với các kỳ hạn ngắn, các tổ chức tín dụng khó có thể chuyển hóa lượng tiền nói trên thành tín dụng”, bà Hồng cho hay.

Thông tin trên báo chí trong tuần qua cũng cho thấy, sau khi bơm ròng khoảng 71 nghìn tỷ đồng trong dịp trước Tết Nguyên đán vừa qua, ngay tuần đầu sau Tết, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng khoảng gần 57 nghìn tỷ đồng qua thị trường mở OMO.

“Chính sách tiền tệ không ảnh hưởng lớn tới lạm phát tháng 1/2012”, bà Hồng khẳng định như vậy.

Trong khi đó, việc chu kỳ Tết năm nay được tính vào hai kỳ tính chỉ số giá tiêu dùng cũng đem đến những quan ngại về khả năng CPI còn tăng trong tháng 2.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức trong lần trao đổi với VnEconomy gần đây lưu ý rằng, lạm phát cao trong dịp Tết chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, nơi thói quen chơi Tết dài và chậm khởi động sản xuất là đặc thù.

Ở điểm này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có một thông tin quan trọng khác. Theo ông Đam, sản xuất về cơ bản đã được khởi động sớm trong kỳ Tết năm nay. Thực tế số thu ngân sách nhà nước tháng 1 chiếm khoảng 8,3% dự toán năm, ông Đam lưu ý rằng dù kỳ nghỉ dài nhưng thu ngân sách vẫn đảm bảo mức bình quân một tháng.

Tất nhiên, trong con số thu khá của tháng 1 có những lưu ý. Vì dù kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, nhưng xuất khẩu dầu thô (mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách) trong tháng 1/2012 tăng cả lượng và giá trị so với tháng trước va so với cùng kỳ sản lượng có giảm nhưng giá trị vẫn tăng.

Quan trọng hơn nữa, trong dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhập siêu tháng qua chỉ ở mức khoảng 100 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch xuất khẩu và là mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua, nếu trừ đi tháng 7/2011 có xuất siêu những chủ yếu do tái xuất vàng.

Thông tin tích cực khác, có phần do cán cân thương mại cải thiện, là thị trường ngoại hối ổn định trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, thậm chí có những ngày giảm.

Cho nên, trong diễn biến kinh tế tháng 1/2012, lạm phát tăng ở mức chấp nhận được, tỷ giá ổn định do các cân đối tài chính quốc tế đảm bảo, cộng với thanh khoản dồi dào theo lời bà Hồng, những nhân tố đó là quan trọng hơn đối với triển vọng nền kinh tế năm nay.